Sau hơn 5 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn cao của tỉnh Đắk Nông vẫn đang trong tình trạng vừa thiếu, vừa phân bổ không đều giữa các huyện, thành phố. Thực trạng này tiếp tục đặt ra nhiều thách thức trong công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế.
5 năm, có huyện không có thêm bác sỹ
Bác sỹ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk G’Long cho biết, từ năm 2015 đến nay, tức hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về thu hút, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế (Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 - 2020), ngành Y tế huyện Đắk G’Long chưa thu hút được bác sỹ, dược sỹ nào về công tác. Việc thu hút bác sỹ, dược sỹ về công tác tại huyện biên giới Tuy Đức cũng có kết quả tương tự.
Trong khi đó, so với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và các quy định hiện hành của ngành Y tế, huyện Đắk G’Long hiện thiếu khoảng 30 nhân viên y tế, trong đó có 8 bác sỹ. Đây là con số tối thiểu để ngành thực hiện công tác khám chữa bệnh, cũng như các nhiệm vụ về y tế dự phòng, kiểm soát các loại dịch bệnh.
“Trong các năm từ 2015 – 2019, đơn vị chúng tôi đều đăng ký với Sở Y tế nhu cầu thu hút bác sỹ, dược sỹ. Có một số bác sỹ, dược sỹ về làm việc với đơn vị, đi khảo sát thực tế về điều kiện khám chữa bệnh, điều kiện cơ sở vật chất, đi lại… sau đó không đồng ý về công tác. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chỗ, chúng tôi phải nhờ đến sự chi viện của ngành Y tế tỉnh, cũng như tạo điều kiện cho các y bác sỹ tại chỗ học tập, nâng cao chuyên môn, tay nghề”, bác sỹ Huynh chia sẻ thêm.
Tháng 6 vừa qua, huyện Đắk G’Long là một điểm nóng về dịch bệnh bạch hầu của tỉnh Đắk Nông. Địa phương đã xảy ra nhiều trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng dân di cư không theo quy hoạch, cư trú rải rác trên đất lâm nghiệp tại nhiều xã của huyện; đồng thời cũng nêu lên nhiều thách thức về lâu dài đối với ngành Y tế. Những thách thức đó là thực hiện không đầy đủ công tác tiêm chủng mở rộng, y tế dự phòng đối với các đối tượng là dân di cư không theo quy hoạch, trong bối cảnh ý thức phòng chống bệnh tật của bà con vẫn còn rất thấp; cùng với nhiều vấn đề về ngôn ngữ, điều kiện đi lại vẫn chồng chất khó khăn.
Bác sỹ Huỳnh Thanh Huynh cho biết: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như: vấn đề thiếu hụt y, bác sỹ; việc bà con cư trú, phân bố rải rác, tiêu biểu như nhiều cụm dân cư tại xã Đắk R’Măng cách trung tâm huyện hơn 100 km. Muốn tiếp cận bà con để tiêm vắc xin, nhân viên y tế phải trải qua nhiều ngày băng rừng lội suối tới những khu vực không có sóng điện thoại và không có phương tiện nào di chuyển được ngoài xe máy. Bên cạnh thách thức về bảo quản vắc xin, trang thiết bị y tế, nhân viên y tế còn gặp nhiều khó khăn do bà con không hợp tác, hoặc không nắm được tỷ lệ sinh, số trẻ tại các cụm, điểm dân cư… |Nếu không có chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp thì rất khó có đủ y, bác sỹ để thực hiện công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại một địa phương còn quá nhiều khó khăn như Đắk G’Long”.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk G’Long, các nhu cầu quan trọng nhất của bác sỹ trẻ là có được môi trường làm việc hiện đại, đông bệnh nhân để họ có điều kiện cọ xát, nâng cao tay nghề thì với điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại, huyện Đắk G’Long chưa thể đáp ứng được. Về phương hướng tới đây, ngành Y tế huyện Đắk G’Long sẽ tập trung tạo điều kiện cho các y, bác sỹ đang công tác học tập, nâng cao tay nghề, cũng như ưu tiên các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với các y, bác sỹ, để họ yên tâm gắn bó với địa phương.
Cần linh hoạt hơn trong thu hút, đãi ngộ
Bác sỹ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp, một "điểm sáng" trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế đã giúp Đắk Nông thu hút được nhiều bác sỹ, dược sỹ học hành bài bản, có trình độ chuyên môn cao vào công tác trong ngành. Đây là điều kiện quan trọng nhất để ngành Y tế Đắk Nông nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như triển khai các chương trình, kỹ thuật y tế phức tạp, trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện chính sách thu hút, đại ngộ theo Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông, bác sỹ Tùng cho rằng cần có một số điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Theo đó, tỉnh cần mở rộng diện thu hút, đãi ngộ bởi hiện nay, ngành y tế chỉ mới thực hiện chính sách thu hút, đại ngộ đối với khối trực tiếp khám chữa bệnh (bác sỹ, dược sỹ, y sỹ). Để tạo nên một tập thể mạnh, tránh tâm lý bị phân biệt, đối xử, việc thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ cần thực hiện cả với những vị trí khác như: xét nghiệm viên, điều dưỡng, y tế công cộng…
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh cũng nên tập trung thêm cho chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để các y, bác sỹ đang công tác trong ngành có thêm thu nhập, có thêm điều kiện học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và gắn bó với nghề. Việc thực hiện các chính sách thu hút, đãi ngộ cần linh hoạt để phù hợp hơn với điều kiện cụ thể từng địa phương. “Tôi cho rằng cần trao thêm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ sở y tế trong vấn đề thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực ngành y tế. Bởi bên cạnh những vấn đề, thách thức chung, thì mỗi cơ sở y tế, mỗi huyện, thành phố đều có những khó khăn, những vấn đề đặc thù; khoảng cách giữa các huyện, thành phố dân cư đông, sinh sống tập trung với các huyện vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới là rất lớn”, bác sỹ Tùng nhận định.
Đẩy mạnh chính sách thu hút, đãi ngộ
Theo Sở Y tế Đắk Nông, sau hơn 5 năm thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ đối với công chức, viên chức chuyên môn ngành y tế, Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng số bác sỹ công tác trong ngành hiện là 491 người, tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm xây dựng chính sách. Nhờ đó, ngành y tế đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và triển khai được nhiều kỹ thuật mới, phức tạp trong điều trị bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến và từng bước tạo được niềm tin của người dân. Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế Đắk Nông vẫn còn thiếu nhiều bác sỹ, kể cả tuyến tỉnh, tuyến huyện và các khu vực vùng sâu vùng xa. Việc thu hút bác sỹ về công tác tại các đơn vị y tế, lĩnh vực đặc thù như: Lao, HIV/AIDS, Pháp y, Tâm thần... vẫn có kết quả rất hạn chế.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Nông, từ 2015 đến nay, toàn tỉnh đã có 51 bác sỹ xin thôi việc, xin chuyển công tác ra ngoài tỉnh, hoặc chuyển công tác sang khu vực tư. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp. Số tiền từ việc thu hút, đãi ngộ (giai đoạn 2015 – 2020) chưa đủ hấp dẫn để giữ chân đối với nhiều bác sỹ giỏi. Hiện nay, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân của tỉnh Đắk Nông đạt mức 7,7, thấp hơn so với mức bình quân chung của các nước là 9.
Theo Sở Y tế Đắk Nông, để hạn chế tình trạng "chảy máu" chất xám và góp phần tích cực vào việc bổ sung nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của tỉnh, Sở vừa được UBND tỉnh Đắk Nông giao chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết về thu hút, đãi ngộ theo chế độ đặc thù đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế về công tác và đang công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (giai đoạn 2021 – 2025).
Theo đó, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cao hơn so với giai đoạn 2015 – 2020, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan cho phù hợp hơn so với yêu cầu thực tế. Cụ thể, bác sỹ tốt nghiệp loại khá về công tác tại tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn 2020 – 2025 dự kiến sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, loại giỏi là 300 triệu đồng, bác sỹ chuyên khoa I là 400 triệu đồng, bác sỹ chuyên khoa II là 500 triệu đồng… Thêm nữa, cũng với trình độ như trên, nếu các bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ nhận công tác tại các đơn vị khó khăn trên địa bàn tỉnh (theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc các đơn vị (khoa) Pháp y, Tâm thần, HIV/ADIS, Lao... thì sẽ được hỗ trợ thêm 50 – 100 triệu đồng tùy vị trí. Dự kiến, tổng số tiền thực hiện thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế của tỉnh trong 5 năm 2021 – 2025 gần 106 tỷ đồng (trong đó chính sách thu hút hơn 48 tỷ đồng, chính sách đãi ngộ gần 58 tỷ đồng).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông khẳng định, việc thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực y tế thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng cho ngành Y tế Đắk Nông. Đây là một chính sách đặc thù rất thiết thực, kịp thời, trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao và việc triển khai, thực hiện nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh phức tạp ngày càng cần thiết. Ngành Y tế Đắk Nông mong muốn với việc điều chỉnh chính sách tới đây, Đắk Nông sẽ tiếp tục thu hút được nhiều bác sỹ, dược sỹ giỏi, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chỗ, trong bối cảnh Đắk Nông vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng.
Hưng Thịnh