Mỗi năm mỗi nông hộ chăn nuôi vịt chuyên trứng ở xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã thu lợi hằng trăm triệu đồng. Ảnh: Nam Thái - TTXVN |
Vốn chính sách xã hội được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên. Gia đình anh Nguyễn Quốc Kha (ấp Tân Ninh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) được vay ngân hàng 50 triệu đồng phát triển chăn nuôi. Từ đó gia đình anh đầu tư làm chuồng trại và mua 6 con dê giống. Sau hai năm, gia đình anh phát triển tổng đàn dê lên 15 con. Trung bình mỗi năm gia đình xuất chuồng từ 15 đến 20 con dê, thu lãi ròng khoảng 30 triệu đồng. Còn gia đình ông Lê Trọng Uyên Sơn (số 34/28 đường Ấp Bắc, phường 4, thành phố Mỹ Tho) là hộ cận nghèo. Năm 2009 con ông đỗ đại học nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn tưởng chừng không thể nhập học. Được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 8 triệu đồng từ Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên, gia đình ông đã giải quyết được khó khăn ban đầu. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết: để phát huy hiệu quả đồng vốn, giúp các đối tượng chính sách nói chung tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, đơn vị làm tốt công tác quản lý tín dụng chính sách, phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời triển khai phương thức cho vay có ủy thác, hợp đồng ủy thác với các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã liên kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành lập được 3.134 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 113.000 khách hàng tham gia. Đây được coi là cánh tay nối dài của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang tại cơ sở, góp phần giúp các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình nói chung, thiết thực góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo ở nông thôn.
Minh Trí