Nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Trào

Đường liên xã ở Tân Trào được xây dựng bề thế, khang trang. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN
Đường liên xã ở Tân Trào được xây dựng bề thế, khang trang. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – nơi đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong cách mạng tháng Tám. Trong những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Trào ảnh 1Đường liên xã ở Tân Trào được xây dựng bề thế, khang trang. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Những tuyến đường thôn, xóm được bê tông hóa khang trang, hai bên đường cờ, hoa rực rỡ… là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về xã Tân Trào trong những ngày đầu tháng 8. Ông Viên Ngọc Tân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tháng 5 năm 1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945. Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Dưới gốc đa Tân Trào chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...

Để hiểu rõ hơn về những ngày lịch sử đó, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Ngọc (84 tuổi), thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Ông Ngọc chia sẻ: Năm 1945, khi các sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra ở Tân Trào, tôi vẫn còn nhỏ mới chỉ có 8 tuổi. Sau này, tôi được nghe bố mẹ kể lại rằng, ngày đó người dân trong thôn được đón tiếp rất nhiều cán bộ về thôn. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều có cán bộ đến ở nhờ. Nên để bảo đảm an toàn cho cán bộ, người dân trong thôn đều thực hiện 3 không “không biết, không thấy, không nghe”.

Ông Ngọc cũng chia sẻ thêm: Khi đó, cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, có nhiều người chưa biết chữ. Vì vậy, ngoài thời gian lao động cùng người dân, các cán bộ còn mở lớp để dạy chữ cho người dân... Ngày Đại hội diễn ra, thay mặt nhân dân cả nước, nhân dân ở Tân Trào đã cử một đoàn đại biểu mang gà, vịt, gạo, trứng đến chúc mừng Đại hội. Bầu không khí tại Tân Trào lúc đó rất hân hoan và càng trở nên khí thế, sôi sục hơn khi cùng ngày 16/8/1945, dưới gốc đa Tân Trào, nhân dân địa phương được chứng kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất quân Giải phóng tiến về Hà Nội, giải phóng thủ đô.

Nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Trào ảnh 2Một góc khu vực chợ xã Tân Trào. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đưa Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang “về đích” xây dựng nông thôn mới năm 2014. Tân Trào đang đổi thay từng ngày, diện mạo nông thôn khang trang hơn. Hiện nay, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; hệ thống trường học các cấp đều đã đạt chuẩn quốc gia; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao…

Ông Lương Văn Năm, thôn Bòng, xã Tân Trào, cho biết: So với trước đây, hiện nay cuộc sống của người dân nơi đây được nâng lên rất nhiều. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Thôn có nhà văn hóa, sân thể thao khang trang giúp người dân có nơi hội, họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe; hệ thống kênh mương được bê tông hóa, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp..., tạo điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương...

Theo ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào: Những năm qua, nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức dạy nghề cho người dân, đặc biệt là vận động người dân trong độ tuổi lao động, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh...; xây dựng và phát triển nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương để nhân ra diện rộng: Nuôi cá lồng, nuôi ong lấy mật, trồng thanh long, trồng chè... Đồng thời, xã huy động các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng đường điện thắp sáng đường quê; duy trì việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở, thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường...

Nhờ đó, thu nhập của người dân trên địa bàn xã tăng đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Hiện xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2019); 100% số thôn đạt “Làng văn hóa”, trên 90% hộ dân đạt “Gia đình văn hóa”; 95% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên…

Nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Trào ảnh 3Vườn thanh long của người dân thôn Bòng, xã Tân Trào. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Ông Hoàng Đức Soài cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, vận động nhân dân duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn; lựa chọn thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, chọn hộ điểm làm mô hình vườn mẫu để rút kinh nghiệm nhân diện rộng; thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện về phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo các thôn theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn. Đồng thời, tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh…

Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giới thiệu việc làm cho 150 người/năm, đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước; số người qua đào tạo nghề đạt 75%; duy trì, giữ vững thành quả nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm