Ảnh minh họa - TTXVN
|
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, hiện nay, đã có hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở 60 tuyến cố định đăng ký giảm cước. Các doanh nghiệp này đã thông báo và kê khai mức giảm khoảng 2% – 11%. Còn lại khoảng hơn 20 doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá là vì trước đó, các đơn vị này không tăng giá cước trong nhiều năm hoặc đã giảm ở kỳ lần trước.
Đối với các doanh nghiệp vận tải taxi, ông Liên cũng cho biết, có 6 đơn vị đã thực hiện giảm giá, mức giảm từ 2-7%.
Có sự chênh lệch trong mức giảm cước ở các đơn vị vận tải là do nhiều doanh nghiệp trước đây không tăng giá cước khi xăng tăng giá thì giờ họ chỉ giảm ở mức thấp. Đơn cử như có doanh nghiệp taxi tại Sơn Tây, giá cước 9.500 đồng/km từ năm 1999 đến nay. Trong thời gian tới, nếu giá xăng về mức 15.000 đồng/lít và giá dầu khoảng 10.000 đồng/lít thì 100% số doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện giảm cước.
Các doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội đã hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, thành phố, kêu gọi giảm giá cước để phục vụ nhân dân dịp Tết. Khẳng định điều này, ông Liên cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra và chỉ đạo rất sát vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Liên cũng kiến nghị, cần chuyển việc quản lý giá cước vận tải theo cơ chế thị trường thì giá sẽ được thực hiện linh hoạt. Các đơn vị sẽ lấy việc giảm giá, chất lượng dịch vụ để cạnh tranh. Đơn cử như vận tải hàng hóa, có thể dùng hình thức sàn giao dịch; hay xe hợp đồng chạy các chuyến… đơn vị nào rẻ, tốt thì người dân lựa chọn. Giá cước do doanh nghiệp quyết định và công bố giá cước.