Đấu tranh đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình trên địa bàn, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Đây là những mục tiêu được đưa ra tại Lễ ra quân truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, do Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 13/6.
Ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh khẳng định, bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em; làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Để chấm dứt bạo lực gia đình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục việc thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ an sinh xã hội, góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình thuộc các dân tộc ít người, hộ nghèo, gia đình đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội...
Các địa phương duy trì, nhân rộng các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế; bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình; tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tácnày và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên, hòa giải viên về phòng, chống bạo lực gia đình, người có uy tín trong cộng đồng...
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 vụ bạo lực gia đình, tăng 6 vụ so với năm 2022; trong đó, đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là do cờ bạc, rượu chè; trình độ dân trí và đời sống, văn hóa ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn thấp; tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới, sự hiểu biết hạn chế về pháp luật…
Những năm qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình... Nhờ đó, nhân dân đã nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt được giữ gìn, phát huy. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Nhiều gia đình tiêu biểu là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, hòa thuận; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thành lập hơn 30 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 120 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” với 660 gia đình; 120 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 1.000 thành viên. Hiện, toàn tỉnh có hơn 150 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 780 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 gia đình tham gia; 780 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với khoảng 31.000 thành viên.
Anh Tuấn