Nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm” với COVID-19 vẫn không đổi

Nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm” với COVID-19 vẫn không đổi

Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 1/11 đến 16 giờ ngày 2/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.637 ca mắc mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 5.613 ca ghi nhận trong nước (tăng 18 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố; có 2.258 ca trong cộng đồng.

Nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm” với COVID-19 vẫn không đổi ảnh 1Từ 12 giờ trưa ngày 2/11/2021, tỉnh Bạc Liêu chính thức áp dụng ở cấp độ 4-Nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (245 ca), Đắk Lắk (84 ca), Bạc Liêu (66 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (201 ca), An Giang (99 ca), Bình Dương (98 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.160 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 932.357 ca mắc, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.465 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 927.494 ca, trong đó có 821.989 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/11 là 2.741 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 824.806 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.950 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 1/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 2/11, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (31 ca), Bình Dương (19 ca), An Giang (6 ca), Kiên Giang, Đồng Nai (mỗi địa phương 4 ca), Long An (3 ca), Cần Thơ, Tiền Giang (mỗi địa phương 2 ca), Tây Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk (mỗi địa phương 1 ca).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 58 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.205 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc.

Hà Nội cần thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn

Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Sau khi nghe lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tới đây, Hà Nội phải rất cảnh giác vì thực tế trên cả nước dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng. Ngày 2/11, cả nước có trên 5.000 ca mắc COVID-19 được phát hiện qua giám sát thông thường, không loại trừ khả năng nếu tập trung xét nghiệm ở một số khu vực, số ca phát hiện còn nhiều hơn. Thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, vì thế vẫn phải sẵn sàng tính đến trường hợp xấu hơn...

Đối với kịch bản điều trị cho 40.000 ca mắc COVID-19 được lãnh đạo Hà Nội đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thành phố cần tính kỹ con số này vì liên quan đến công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị. Các giải pháp, trong đó có tuyên truyền, vận động phải thống nhất, tránh từ cực nọ chạy sang cực kia, từ chặt quá, sau đó lại lỏng quá, khi có dịch lại quay lại chặt… Đặc biệt, nguyên tắc từ ngày đầu chống dịch là "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm" đến nay vẫn không thay đổi.

Phó Thủ tướng đề nghị, Hà Nội phải lên các kịch bản chống dịch vừa phải chặt nhưng đồng thời tập dượt cách ly F1, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà để thành quy trình có thể ứng phó khi dịch lan rộng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang trong tầm kiểm soát. Từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với thời gian thực hiện "bình thường mới" từ ngày 21/9-10/10 (21 ca so với 5-7 ca giai đoạn trước đó), liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đặc biệt, từ ngày 28/10 - 1/11, số ca F0 tăng cao, từ 33-57ca/ngày. Như vậy, dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố diễn biến phức tạp tiếp tục là nguy cơ hiện hữu, gia tăng, kết hợp với việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần thích ứng, linh hoạt. Dự báo, trong thời gian tới thành phố tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lý chặt chẽ, có biện pháp hành chính phù hợp kèm theo.

Thành phố hiện còn 6 chùm ca mắc COVID-19 mới phát sinh, trong đó có hai chùm cabệnh tại Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và tại thôn Bạch Trữ (huyện Mê Linh) đều liên quan đến việc tụ tập đông người (đám ma, đám cưới... ). Các ca bệnh phần lớn mang tính chất gia đình, nhiều người cùng mắc. Đa phần các mắc đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và hầu hết đều không có triệu chứng.

Thành phố đã tiêm 9.664.917 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có 6.040.615 mũi 1, đạt 92,3 % dân số trên 18 tuổi và đạt 69,4% tổng dân số của thành phố, có 3.624.302 mũi 2, đạt 55,4 % dân số trên 18 tuổi và 41,6 % tổng dân số. Số người trên 50 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 79,01 % và số người tiêm mũi 2 đạt 45,9 %. Theo kế hoạch, từ ngày 15/11/2021-20/1/2022, Hà Nội sẽ hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả người từ 50 tuổi trở lên.

Chia sẻ các vấn đề trước mắt và lâu dài cần thiết cho khu vực miền Nam

Sau hơn 3 tháng phòng, chống dịch tại tâm dịch của đợt dịch lần thứ 4, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã chia sẻ 7 bài học kinh nghiệm, đưa ra 4 biện pháp ứng phó trước mắt, 4 biện pháp ứng phó lâu dài để các địa phương này chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19".

Trong bối cảnh chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có 4 vấn đề cần quan tâm trước mắt. Một là, tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ không có "Zero COVID", lúc nào cũng sẵn sàng có ca F0 và dịch lúc nào cũng sẵn sàng quay trở lại. Việc tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác là điều rất cần thiết; phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân để phòng, chống dịch tốt hơn. Khi đã tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine nhưng nếu phòng, chống dịch không tốt, vẫn bị nhiễm và lây lan cho người khác.

Hai là, phải xây dựng kế hoạch xét nghiệm để phát hiện F0 theo quy định của Bộ Y tế. Khi phát hiện F0 ở giai đoạn này không còn lo lắng như những lần trước nữa, vì đã phủ 1 hoặc 2 mũi vaccine, có kháng thể nên số lượng chuyển nặng rất ít. Khi phát hiện F0, chúng ta tiếp tục cho thực hiện cách ly và điều trị. Những nơi có nguy cơ cao và rất cao cần tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề thứ ba là phải củng cố, xây dựng hệ thống y tế đủ năng lực, bổ sung đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc, oxy, đủ sức đáp ứng tình hình mới. Về điều trị, chúng ta chuẩn bị kỹ cả 3 tầng điều trị theo quy định của Bộ Y tế; phải chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống dịch tiếp theo, theo từng cấp độ dịch của địa phương.

Thứ tư, phải xây dựng kế hoạch bảo vệ người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Những người đã được tiêm mũi 1, mũi 2, sau khi trở về gia đình, nơi cư trú hoặc đến nơi làm việc... phải lưu ý, tránh tiếp xúc với những người chưa được tiêm vaccine.

Nếu đáp ứng 4 vấn đề trên, việc từng bước mở lại sản xuất kinh doanh có thể thực hiện theo lộ trình thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đối với các biện pháp lâu dài, cũng có 4 vấn đề cần quan tâm. Vấn đề thứ nhất, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, bài bản hơn nữa 4 giải pháp trước mắt vừa nêu. Vấn đề thứ hai là, xây dựng các chiến lược y tế quốc gia, trong đó, y tế dự phòng phải đủ mạnh. Thứ ba, khi xảy ra đại dịch, y tế tư nhân cũng phải vào cuộc, đồng hành với y tế công. Thứ tư, chúng ta cần phải chủ động sản xuất các trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine, không để bị động với đại dịch.

PV

(Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

TTXVN

Có thể bạn quan tâm