Người Phát ngôn Bộ Công an giải đáp chi tiết về Nghị định mới về quản lý, sử dụng pháo

Khách du lịch xem bắn pháo hoa tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Khách du lịch xem bắn pháo hoa tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những khái niệm về pháo hoa và pháo hoa nổ.

Người Phát ngôn Bộ Công an giải đáp chi tiết về Nghị định mới về quản lý, sử dụng pháo ảnh 1Khách du lịch xem bắn pháo hoa tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều 2/12, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã trao đổi chi tiết liên quan đến Nghị định 137. Trong đó, Người Phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, theo quy định của Nghị định, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Trả lời câu hỏi ai được phép sử dụng pháo hoa, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ: Điều 17 Nghị định 137 quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa”. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ của các đối tượng trên được quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Về các trường hợp được sử dụng pháo hoa, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết: Theo quy định của Nghị định, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (khoản 1 Điều 17).

Khoản 2 Điều 14 quy định rõ: "Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường".

Khoản 1 Điều 3 quy định cụ thể như sau: "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ".

Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa, chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 137.

Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137). Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

Về điều kiện kinh doanh pháo hoa, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 137, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Về tổ chức, doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định 137 quy định: Chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 137, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa do Bộ Công an cấp. Doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa, lập hồ sơ đề nghị nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, sẽ cấp giấy phép xuất nhập khẩu theo quy định.

Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ: Theo quy định tại Điều 16, các tổ chức, doanh nghiệp khi mua pháo hoa để kinh doanh phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh, nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cấp giấy phép mua, vận chuyển theo quy định.

Điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 16 quy định: Giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh có thời hạn 30 ngày; giấy phép vận chuyển có thời hạn 7 ngày (giấy phép vận chuyển chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển).

Về hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ: Theo quy định tại Điều 5 quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

TTXVN

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm