Người dân vùng biên Bù Đốp mong được sử dụng điện lưới, có cầu kiên cố

Người dân vùng biên Bù Đốp mong được sử dụng điện lưới, có cầu kiên cố
Điện thắp sáng vẫn là thứ xa xỉ

Đã hơn 14 năm sinh sống tại tổ 6, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp, ông Phạm Tấn Đạt vẫn chưa một lần được tận hưởng ánh sáng của điện lưới quốc gia. Điều đáng nói khu vực nhà ông đang ở chỉ cách trung tâm xã Thiện Hưng khoảng 5 km, vậy mà điện thắp sáng đang là thứ xa xỉ mà gia đình ông vẫn mong chờ từ nhiều năm nay. Không có điện lưới, dẫn đến những vật dụng tối thiểu trong sinh hoạt như nồi cơm điện, ti vi, điện thắp sáng cho con cái học hành… gia đình ông cũng không thể sử dụng.

Để khắc phục khó khăn, gia đình ông đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống điện mặt trời với chi phí khoảng 2 triệu đồng vào năm 2013, nhưng cũng chỉ đủ để thắp sáng vài tiếng đồng hồ vào buổi tối. Ông Phạm Tấn Đạt nói: Không có điện lưới sử dụng thì có rất nhiều khó khăn. Việc tưới tiêu cho cây trồng rất tốn kém vì phải dùng máy nổ, máy phát điện bằng xăng dầu. Trong gia đình cũng không thể mua sắm đồ dùng bằng điện. Gia đình luôn mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn để có có điện lưới cho người dân sử dụng.

Bà Điểu Thị Yut (người dân tộc S’tiêng) kể, từ khi chuyển về sinh sống tại tổ 6 vào năm 2003 đến nay gia đình bà vẫn loay hoay với đèn dầu, điện bằng ắc quy. Sau đó, nhu cầu về điện của gia đình càng lớn. Năm 2018, gia đình bà Yut phải đầu tư 7 triệu đồng làm hệ thống điện mặt trời để thắp sáng. Bà Yut cho biết, để có được số tiền trên, gia đình bà đã phải dành dụm nhiều năm mới có được. Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của gia đình cũng khá cao, ngoài bơm nước để tưới hồ tiêu, thắp sáng, các thành viên trong gia đình còn cần xem tivi, sử dụng quạt điện… Đã 16 năm trôi qua, nhu cầu tối thiểu trong nhà đang là khao khát không chỉ của gia đình bà Yut, mà của rất nhiều hộ dân nơi đây.

Cầu tạm gây nguy hiểm

Cũng nổi cộm như vấn đề điện sinh hoạt, nhiều năm qua, chiếc cầu tạm vào tổ 6 cũng đang là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây, nhất là vào mùa mưa bão. Cầu vào tổ 6 chỉ được gia cố bằng những tấm ván thô sơ treo lơ lửng, bắt ngang qua dòng suối, có nguy cơ bị nước lũ cuốn phăng bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại. Việc phải đi lại trên chiếc cầu tạm được người dân tự làm bằng gỗ, lót trên mặt những tấm ván sơ xài luôn là nỗi ám ảnh của những hộ dân thuộc tổ 6 mỗi khi qua cầu.

Chiếc cầu tạm được kết cấu bằng trụ tiêu, trên lót ván chỉ đảm bảo cho bà con đi xe máy và chở cỏ phục vụ chăn nuôi, còn việc chở nông sản và các thứ khác thì phải lội qua suối, nếu gặp trời mưa lớn thì mọi việc phải tạm dừng. Hiện tại vào mùa mưa, người dân đang lo ngại vì nước suối thường xuyên dâng cao, nguy cơ xảy ra chuyện ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi, nhất là với các em học sinh hàng ngày đến trường. Việc phải thường xuyên đi trên chiếc cầu tạm bằng gỗ chỉ rộng gần 2m, dài khoảng 10m, đang là nỗi ám ảnh của người dân vì thực tế đã có không ít lần người dân bị té ngã.

Anh Điểu Cảnh, cho biết: Anh đã ở tổ 6 trong 20 năm rồi, ngoài điện lưới, đường xá cũng rất khó đi. Trong đó, cầu tạm luôn là nỗi lo lớn nhất, đặc biệt vào thời điểm các cháu đi học khi trời mưa, nước ngập sẽ không thể đi học mà phải chờ nước rút. Người dân sống ở đây rất khó khăn khi phải đi lại trên chiếc cầu gỗ này và mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ sớm làm cầu để nhân dân yên tâm đi lại...

Niềm ước ao lớn nhất của hàng chục hộ dân tổ 6 hiện nay là có cầu kiên cố để không lo ngại ngập nước khi mưa lớn đổ về, có điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất. Phó Trưởng thôn 7, Mai Văn Khiêm, cho biết: Hiện nay, người dân tổ 6 đang khát khao có đường, có điện để sinh hoạt và có cây cầu để đi lại. Bản thân ông Khiêm đã nhiều lần nêu ý kiến có tuyến đường và có ánh sáng điện cho người dân...

Trước nguyện vọng của người dân tổ 6 về điện lưới, cầu kiên cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thiện Hưng, Trần Chí Công cho biết: Thôn 7 cách xa trung tâm xã khoảng 5 km và là khu vực giáp biên giới, cách xa hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế. Do đó, việc đầu tư có phần chậm trễ hơn so với các nơi khác, dẫn đến việc hưởng thụ tinh thần, vật chất của người dân còn thiếu thốn. Vấn đề cây cầu gỗ, chính quyền xã đã vận động được nhà tài trợ số tiền từ 400-500 triệu đồng. Do đang vào mùa mưa nên đơn vị tài trợ thống nhất cuối năm sẽ triển khai để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Còn về điện lưới, Ủy ban nhân dân huyện đã có chủ trương, kế hoạch, quyết tâm đến cuối năm 2019 sẽ đầu tư lưới điện trung thế, hạ thế để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm