Người có uy tín là điểm tựa trong cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai

Ngày 10/7, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị họp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

vna_potal_hop_mat_nguoi_co_uy_tin_trong_dong_bao_dan_toc_thieu_so_tinh_dong_nai_7474849.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Đồng Nai hiện có dân số trên 3,2 triệu người với 50 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 200.000 người, chiếm hơn 6% dân số. Toàn tỉnh có 206 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Người có uy tín là điểm tựa, tấm gương đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng. Đồng thời, tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương, tích cực tuyên truyền và giải thích cho bà con hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc.

Tại hội nghị, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tuyên truyền, gắn kết người dân tại nơi sinh sống; trình bày những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hỗ trợ con em là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi học, khởi nghiệp phát triển kinh tế…

Ông Lu Hô Xin, người có uy tín dân tộc Chăm (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, đối với các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có nét văn hóa, tiếng nói, chữ viết riêng, đồng bào rất mong muốn được bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa Chăm đang dần bị mai một, các thế hệ trẻ là con em người dân tộc Chăm ít biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Một số giáo viên ở địa phương đã kiên trì dạy chữ và tiếng Chăm cho học sinh, tuy nhiên cuộc sống của những thầy, cô này còn khó khăn, không đủ trang trải cuộc sống. “Hy vọng trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai có những chính sách để hỗ trợ những trường hợp này, nhằm góp phần giữ gìn bản sắc riêng của các dân tộc”, ông Lu Hô Xin chia sẻ.

vna_potal_hop_mat_nguoi_co_uy_tin_trong_dong_bao_dan_toc_thieu_so_tinh_dong_nai_7474844.jpeg
Đại diện người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, dù chỉ chiếm 0,1% trong tổng số dân, nhưng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng, là điểm tựa, cầu nối giữa chính quyền với đồng bào dân tộc nơi cư trú.

Ông Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quan tâm, xác định việc xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong công tác vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, quốc phòng – an ninh, liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có sức khỏe, trình độ nhận thức tốt, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào nơi cư trú, có uy tín thực sự và gắn bó với nhân dân trong ấp, khu phố, được cộng đồng dân cư tín nhiệm, bình chọn.

Các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, chăm lo tốt các chính sách an sinh xã hội đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng kiến thức, tham quan, học tập kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm