Nghệ An: Nỗ lực, sáng tạo trong triển khai Đề án 06

Huy động nhân lực, nguồn lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, Nghệ An là một trong 14 địa phương hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm nhất cả nước. Đây là kết quả nổi bật sau 2 năm tỉnh thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Tăng tốc thực hiện chiến dịch

Là cơ quan thường trực, Công an tỉnh Nghệ An đã quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh và làm tốt vai trò tham mưu trong việc triển khai Đề án. Đồng thời, đơn vị thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án, nhất là nghiên cứu, đề xuất khắc phục những tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai.

Vượt qua mọi khó khăn, với quyết tâm chính trị cao, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh tập trung thực hiện chiến dịch “90 ngày đêm”, cao điểm “70 ngày đêm” đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp Căn cước công dân; bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử.

Anh Kha Văn Thông (xã Nga My, huyện Tương Dương) cho biết, Công an đã đến tận nhà làm Căn cước công dân gắn chíp cho người dân vùng sâu vùng xa như trường hợp của anh. Thay vì phải mang theo nhiều loại giấy tờ đến làm thủ tục hành chính, giờ đây, người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử tích hợp các loại giấy tờ sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại.

Đến đầu tháng 1/2024, Công an tỉnh đã cấp được gần 3 triệu Căn cước công dân gắn chíp (vượt thời hạn Bộ Công an giao 52 ngày) cho 100% công dân đủ điều kiện; duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; thu nhận hơn 2 triệu tài khoản và kích hoạt thành công gần 2 triệu tài khoản định danh điện tử (vượt gần 40% chỉ tiêu thu nhận và trên 10% chỉ tiêu kích hoạt của Bộ Công an giao). Việc triển khai các tiện ích trên ứng dụng VNeiD giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

06.3.jpg
Lực lượng Công an cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến qua VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Công an Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ làm sạch dữ liệu dân cư; phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung làm sạch dữ liệu chuyên ngành để phục vụ kết nối, chia sẻ. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung tổ chức cấp tài khoản an sinh xã hội cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện; đẩy mạnh thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, mang đến những tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với thủ tục cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử bằng nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng tiện ích của Đề án

Sau 2 năm thực hiện Đề án 06, đến nay, Nghệ An đã hoàn thành 23/25 nhiệm vụ; trong đó có 14/25 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và đang triển khai 2/25 nhiệm vụ. Địa phương đã rà soát, hoàn thiện 2 văn bản pháp luật cần thực hiện ngay theo lộ trình của Đề án 06. Ngoài ra, các sở, ngành đã rà soát 177 thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính; đề xuất HĐND, UBND tỉnh bãi bỏ hoặc thay thế, tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Đề án.

06.2.jpg
Đông đảo nhân dân thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: Đức Phương – TTXVN

Đối với nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã triển khai 25/25 dịch vụ công theo Đề án và 6/11 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022". Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đạt 45,03% (cao hơn chỉ tiêu của Chính phủ 5,03%). Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 74,4%. Một số thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như: các thủ tục hành chính của ngành Công an đạt từ 95 - 100%; 2 nhóm dịch vụ công liên thông đạt 100%; dịch vụ công ngành Tư pháp (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn) đạt 89,4%... Các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, xây dựng các đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Đề án 06…

Thực tế triển khai Đề án 06 tại địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế như: Nhiều địa phương khi giải quyết thủ tục hành chính không thực hiện xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ, hồ sơ có liên quan để chứng minh thông tin của cá nhân, thông tin cư trú. Các quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất trong chi cho đầu tư hạ tầng, công nghệ dẫn đến bị động, lúng túng trong dự toán đầu tư cho Đề án…

Khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ của Nghệ An đã lựa chọn Chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng số, số hóa tạo lập dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng tiện ích của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025”. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 nhấn mạnh, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án theo chỉ đạo và lộ trình của Chính phủ, đồng thời phát huy, nâng cao hơn nữa kết quả đạt được trong 2 năm qua, tỉnh yêu cầu, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, các thành viên Tổ công tác tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra. Các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thường trực để xử lý các kiến nghị, vướng mắc.

Bên cạnh đó, các sở, ngành tiếp tục tham mưu để triển khai 38 mô hình điểm; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ. Đồng thời, các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện các thể chế, hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; triển khai quyết liệt việc “làm sạch” dữ liệu và bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Các sở, ban, ngành đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án, nhất là tại cấp xã.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm