Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới

Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới

Sau 2 tháng đưa vào giảng dạy, các bộ sách giáo khoa lớp 1 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu các trường, giáo viên chủ động rà soát, điều chỉnh, linh hoạt kế hoạch dạy học tùy theo mức độ tiếp thu của học sinh lớp 1.

Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới ảnh 1Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu sử dụng giáo trình điện tử đem lại khá nhiều điều mới mẻ trong dạy và học cho học sinh lớp 1. Ảnh: Bích Huệ-TTXVN

Để chuẩn bị cho học sinh vào lớp 1, năm học này, Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu đã ưu tiên ngân sách của nhà trường sắm 3 ti vi cho ba lớp 1 thuận lợi sử dụng các học liệu điện tử theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới. Hiện, quy mô mỗi lớp của nhà trường chỉ có 25 học sinh/lớp, việc tổ chức dạy học của nhà trường dễ dàng hơn, giáo viên dễ bao quát và kèm cặp riêng cho từng học sinh.

Qua hơn 1 tháng triển khai dạy học theo sách giáo khoa mới, cô giáo Hà Thị Hồng Hà, Chủ nhiệm lớp 1A cho biết: Việc sử dụng giáo trình điện tử đem lại khá nhiều điều mới mẻ trong dạy và học. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng giáo viên phải linh hoạt vì giáo trình điện tử hình ảnh quá nhỏ và nhiều phần mềm tải về bị lỗi. Vì thế, có những bài mới, giáo án chưa có, giáo viên phải tự soạn bài từ sách giáo khoa sang hoặc phải tự làm các bức tranh để minh họa cho bài học. Giáo viên phải vất vả hơn nhiều.

Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới ảnh 2Trường Tiểu học Nghi Quang, huyện Nghi Lộc lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất với mục đích là học sinh biết đọc viết và bước đầu hiểu sơ giản về tiếng mẹ đẻ và vận dụng nó trong môi trường của trẻ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Khác biệt so với những năm học trước, do phải nghỉ học nhiều bởi dịch COVID-19, bậc mầm non học sinh chưa được làm quen nhiều với chương trình lớp 1, vì thế khi lên bậc tiểu học, cô và trò phải làm quen từ đầu. Hơn thế, với đặc thù của học sinh miền núi, học sinh chưa thông thạo tiếng Việt nên khó khăn lại nhân lên gấp 2, gấp 3 lần.

Cô giáo Lê Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội 1 cho biết, trong bối cảnh chương trình mới vừa dài, vừa khó, nhà trường buộc phải tăng tiết, ưu tiên thêm những tiết Tiếng Việt để giãn bài học. Ngoài ra, nhà trường tổ chức dạy học theo hình thức cuốn chiếu “dạy âm nào chắc âm đó”. Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể linh hoạt, điều chỉnh để lấy lợi ích học sinh lên đầu và không gây áp lực cho học trò...

Phương pháp dạy học của giáo viên Trường Tiểu học Châu Hội 1 cũng là chỉ đạo chung của huyện Quỳ Châu, bởi theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: Chương trình mới tổ chức dạy học theo 2 buổi/ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học giãn chương trình và dạy thêm vào các buổi chiều. Huyện Quỳ Châu đang tham mưu sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí tăng cường để hỗ trợ các trường mua sắm thêm thiết bị dạy học. Tại các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo giáo viên rà soát lại những đồ dùng học tập cũ và nếu đồ dùng nào tương đồng với chương trình mới sẽ ưu tiên cho những học sinh nghèo, khó khăn để các em có điều kiện học tập.

Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới ảnh 3Trường Tiểu học Nghi Quang, huyện Nghi Lộc lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất với mục đích là học sinh biết đọc viết và bước đầu hiểu sơ giản về tiếng mẹ đẻ và vận dụng nó trong môi trường của trẻ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN  

Tại Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên phải cần mẫn, bình tĩnh và linh hoạt lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất với mục đích là học sinh biết đọc viết, bước đầu hiểu sơ giản về tiếng mẹ đẻ và vận dụng nó trong môi trường của trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô cho biết: Có thể nhiều phụ huynh khá lo lắng nên gây áp lực cho con. Tuy nhiên, chúng tôi đã linh hoạt trong phương pháp giảng dạy chương trình lớp 1 mới. Ví dụ, học sinh học đến âm vần nào sẽ đọc đến tiếng có âm vần đó chứ không bắt học sinh học vẹt các tiếng chưa học. Với những từ lạ, từ mới các cô sẽ kết hợp giải nghĩa phù hợp nhận thức của học trò.

Trước những kiến nghị xung quanh việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản để điều chỉnh việc tổ chức dạy và học theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà. Đặc biệt, trước phản ánh của dư luận về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.

Nghệ An chủ động, linh hoạt khi dạy chương trình lớp 1 mới ảnh 4Vì chưa có giáo án điện tử nên giáo viên trường Tiểu học Nghi Quang, huyện Nghi Lộc sử dụng bảng chữ cắt ghép để giảng dạy cho học sinh dễ hiểu. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại Nghệ An, trước khi có văn bản của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động có văn bản chỉ đạo các trường tổ chức thăm lớp, dự giờ, đánh giá việc triển khai dạy, học các môn học để từ đó rút kinh nghiệm và có phương án chỉ đạo thích hợp.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, qua thời gian đầu triển khai, Sở đã nhận được thông tin và một vài giáo viên cho rằng chương trình khó bố trí thời gian do nội dung bài học dài. Tuy nhiên, với chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, vì thế cho phép các trường tự xây dựng chương trình dạy học ở trường, ở lớp. Những bài học học sinh không theo kịp tiến độ, giáo viên có thể giãn tiết theo nhiều tiết để bài học nhẹ nhàng hơn.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm