Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer

Là những người phụ nữ ham học hỏi, muốn thay đổi cuộc sống chính mình và cộng đồng, bà Thạch Thị Út Lan (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân, xã Thới Đông) và bà Dương Thị Mạnh (Bí thư ấp kiêm Trưởng ấp và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng) đã vượt qua nhiều khó khăn để gắn bó với công tác xã hội hàng chục năm qua. Họ là hai đảng viên người Khmer làm công tác Hội tiêu biểu của huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, góp phần thay đổi nhận thức của các phụ nữ ở ấp, đặc biệt là phụ nữ Khmer về chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Đi đầu làm gương

Bà Thạch Thị Út Lan và bà Dương Thị Mạnh đến với công tác Hội ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cả hai đều có điểm chung là muốn góp sức để giúp thay đổi nhận thức cũng như đời sống của những phụ nữ ở vùng quê khó khăn. Sự gần gũi, uy tín của hai cán bộ Hội Phụ nữ người dân tộc là cầu nối để cấp trên hiểu được tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ Khmer.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thới Đông Nguyễn Thị Hằng cho biết, Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân thành lập năm 1989 cũng là ngần đó năm bà Thạch Thị Út Lan làm Chi hội trưởng. Cả xã Đông Thắng có 6 ấp nhưng chỉ có bà Út Lan là Chi hội trưởng người Khmer.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer ảnh 1Dù mang trong mình căn bệnh nan y, nhưng bà Thạch Thị Út Lan (trái) vẫn miệt mài cống hiến cho công tác hội để hỗ trợ chị em phụ nữ Khmer vươn lên. Ảnh: Thu Hiền – TTXVN

Bà Út Lan kể, năm 1989, thời đó rất khó khăn, ấp Thới Xuân nghèo lắm, phần lớn là người Khmer. Phụ nữ ở ấp chỉ biết mò cua, bắt ốc kiếm sống, mỗi năm chỉ trông chờ vào ba vụ lúa và mùa nước lũ để kiếm kế sinh nhai. Ấp không có chi hội, cũng không có ai hướng dẫn phụ nữ phải làm kinh tế như thế nào. Bà Út Lan tự chèo xuồng đi gặp trưởng ấp đề xuất nguyện vọng thành lập Chi hội Phụ nữ ấp và nhờ Chi hội trưởng ấp khác hướng dẫn cách thức thành lập, điều hành.

Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân được thành lập nhưng vì đời sống khó khăn, phải lo "cơm áo gạo tiền" nên chỉ có 5 - 10 chị em tham gia. Để chị em tham gia Hội, cách duy nhất là làm cho họ thấy lợi ích mà Hội đem lại. Nghĩ là làm, bà Út Lan đề nghị UBND xã Thới Đông làm cầu nối Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên tiếp cận vốn vay về chăn nuôi.

“Tôi cũng được vay với số vốn chỉ 1 - 2 triệu đồng nhưng nhờ lúc đó ít dịch bệnh nên chăn nuôi gà, vịt, lợn hiệu quả. Thấy tôi và các chị em hội viên vay vốn chăn nuôi hiệu quả và được tiếp cận các chương trình, chính sách của Hội Phụ nữ nên các chị em khác tham gia Hội ngày càng đông”, bà Út Lan kể.

Nhìn cảnh nhiều chị em ở ấp không có việc làm, không có đất sản xuất, chỉ chờ mùa lúa, mùa nước lũ, bà Út Lan đề xuất mở lớp may công nghiệp cho hội viên ấp với 25 người tham gia. Sau khi kết thúc lớp học nghề, các hội viên giờ đều có công ăn việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp.

Những năm tháng làm công tác Hội, được “ra ngoài” mở mang kiến thức, bà Út Lan thấy rằng phụ nữ ở quê, đặc biệt là phụ nữ Khmer muốn thoát nghèo khó, không tụt hậu phải ham học hỏi, tiếp cận được thông tin. Vì thế, dù không biết đi xe nhưng có đợt tập huấn, tuyên truyền ở xa thì bà Út Lan đều xin đi. Đi để tiếp nhận kiến thức, học hỏi để vận động chị em phát triển kinh tế, biết cái gì có lợi cái gì có hại để về chia sẻ với chị em trong Hội.

Còn bà Dương Thị Mạnh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Thắng thì có quan điểm “Mình phải làm gương đi trước thì mấy chị em ở ấp, nhất là chị em người dân tộc Khmer mới thấy được muốn thoát nghèo, muốn có của ăn của để thì phải làm, phải cho con đi học, phải thay đổi suy nghĩ”.

Đến với công tác xã hội khi cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn, con cái đã lớn khôn nên bà Mạnh như được thỏa sức cống hiến. Bà Mạnh không chỉ là “cánh tay vươn dài” của chính quyền đến cơ sở mà còn là người có uy tín của cộng đồng dân tộc người Khmer ở ấp.

Phải làm để mọi người thấy mình không chỉ nói suông, vì thế, dù phải đảm nhiệm “3 chức vụ” với vô số công việc không tên phải làm, đi liên miên nhưng ngày nghỉ là bà Mạnh cùng chồng ra mảnh vườn 4.000m2 trồng mướp, trồng khổ qua, chăm mít, nuôi cá. Từ mô hình chăn nuôi này cũng giúp gia đình bà có nguồn thu mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Từ “tấm gương” bà Dương Thị Mạnh, nhiều gia đình ở ấp Đông Thắng mạnh dạn chuyển đổi mô hình làm lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cùng nhau thành lập Tổ hợp tác trồng màu. Họ cùng nhau thay đổi cuộc sống của mình theo gương bà Mạnh. Chị Đào Thị Xinh, ấp Đông Thắng cho biết, vì bà Mạnh luôn gần gũi, thấu hiểu được đời sống của mọi người dân trong ấp và luôn đi đầu làm gương nên mọi người tin tưởng làm theo.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer ảnh 2Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định. Nguồn: baocantho.com.vn

 Còn khỏe là còn làm

Cả bà Út Lan và bà Mạnh đều không biết đi xe thế nhưng hàng chục năm qua, họ vẫn miệt mài làm tốt vai trò của người Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. Với đôi chân không ngại bùn đất, sình lầy, sông nước những năm tháng khó khăn đến bây giờ những con đường bê tông sạch sẽ không còn quá khó với hai người phụ nữ Khmer ấy.

Gặp bà Út Lan, nếu không nghe bà chia sẻ thì không ai biết bà bị bệnh. Hóa trị làm tóc bà rụng nay mới mọc lại nhưng nụ cười, tâm huyết vì công việc vẫn thường trực trên gương mặt bà.

Bà Thạch Thị Út Lan phát hiện mình bị ung thư vú hai năm qua. Sau những ngày phải vào bệnh viện điều trị thì bà lại trở về với công việc mà mình gắn bó gần 35 năm qua. Với bà Út Lan, bệnh tật không làm bà quên đi công việc của mình. Có lúc, chiều hôm nay đi viện vào thuốc thì chiều hôm sau vẫn nhờ chồng chở đi thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm cho hội viên hay đi họp.

“Còn sức khỏe thì còn làm công tác Hội, công tác ấp. Cực thật nhưng mà vui vì người dân và chồng con tin tưởng, ủng hộ”, bà Dương Thị Mạnh cười vui cho biết.

Với những đóng góp không mệt mỏi của hai Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, giờ đây, cả hai ấp Đông Thắng và Thới Xuân (đều có tỷ lệ phụ nữ là người Khmer trên 85%) chỉ còn 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ (là những phụ nữ neo đơn, lớn tuổi). Điều quan trọng là phụ nữ rất chí thú làm ăn, ai có ruộng đất thì lo làm lúa, làm vườn, ai không có ruộng đất thì học nghề rồi làm cho công ty, có thu nhập hàng tháng chứ không còn cảnh chờ mỗi vụ lúa, mỗi mùa lụt. Đó là điều mà bà Dương Thị Mạnh và Thạch Thị Út Lan vui nhất.

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer ảnh 3Bà Dương Thị Mạnh, nữ đảng viên giỏi việc nước, đảm việc nhà là tấm gương tiêu biểu cho chị em hội viên phụ nữ ấp Đông Thắng nổ lực thoát nghèo. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Nếu bà Dương Thị Mạnh (55 tuổi) làm công việc Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp đến nay gần 20 năm thì bà Thạch Thị Út Lan (62 tuổi) gắn bó với công việc này đã ngót nghét 35 năm. Dù công việc vất vả, phần hỗ trợ cho người làm công tác Hội không đáng bao nhiêu, nhưng bà Mạnh và bà Út Lan đều cho biết vẫn tiếp tục gắn bó với công việc. Bởi lẽ đó là sự tín nhiệm từ người dân, là “chỗ dựa” tin cậy cho phụ nữ Khmer và còn là sự ủng hộ, đồng hành của hai người chồng.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm