Nhờ hiệu quả triển khai đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương của Quảng Ninh giảm còn khoảng 1% (trước đây là 3%), giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân và giảm tải cho hệ thống y tế.
Khám chữa bệnh từ xa là “cuộc cách mạng” xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương. Thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, Sở Y tế Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia Đề án. Qua đó, 18 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn đăng ký tham gia. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã kết nối với 11 bệnh viện tuyến Trung ương ở các chuyên khoa: Ngoại, chấn thương, tim mạch, truyền nhiễm, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, gây mê hồi sức, nội tiết, sản và nhi.
Các đơn vị Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm y tế thành phố Móng Cái, Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, Trung tâm y tế huyện Tiên Yên, với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn như: Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương.
Từ năm 2012, Sở Y tế Quảng Ninh triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Telemedicine). Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống Telemedicine đồng bộ đến tuyến huyện.
Thông qua hệ thống này, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh tiến hành kết nối chẩn đoán từ xa với bệnh viện tuyến Trung ương để đào tạo, nghiên cứu, trao đổi thông tin. Hệ thống còn cho phép tiến hành các ca phẫu thuật trực tuyến. Các bệnh viện tuyến dưới trực tiếp tiến hành xử lý cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bệnh viện tuyến trên, với các giáo sư, chuyên gia đầu ngành, các y bác sỹ giỏi, từ đó nâng cao hiệu quả cứu sống bệnh nhân.
Ngành Y tế tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức về quản lý bệnh viện, quản lý dược, chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống dịch, khám chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp chuyển giao nhanh cho tuyến dưới các kỹ thuật chuyên môn, góp phần đào tạo, nâng cao trình độ cho y, bác sỹ với chi phí đào tạo thấp, giảm thời gian di chuyển, tận dụng được tối đa hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực tại chỗ.
Ngoài kết nối với tuyến Trung ương, công tác chỉ đạo tuyến cơ sở qua hệ thống Telehealth, thành lập các nhóm chuyên gia hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa 24/7 được nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đẩy mạnh triển khai. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh ban đầu từ tuyến cơ sở và sự hài lòng của người dân.
Nhờ sự hỗ trợ của phương thức khám chữa bệnh từ xa, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh Quảng Ninh ngày một nâng cao. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được trên 50% danh mục kỹ thuật tuyến Trung ương; triển khai được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ thực hiện ở tuyến Trung ương; 100% Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật của tuyến huyện; 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn duy trì và giữ vững Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Hiện nay, 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh và huyện được trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến, tiến tới sẽ lắp đặt tại tuyến xã; hợp tác giữa bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện với tuyến Trung ương được ngành Y tế đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó, góp phần mang tới cho người dân Quảng Ninh dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất ngay tại địa phương.
PV