Ngành y tế Gia Lai tăng cường kiểm soát bệnh tay chân miệng

Ngành y tế Gia Lai tăng cường kiểm soát bệnh tay chân miệng
Trường Mầm non 1/5, cho học sinh nghỉ học 10 ngày vì đây là nơi bùng phát dịch tay chân miệng của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Trường Mầm non 1/5, cho học sinh nghỉ học 10 ngày vì đây là nơi bùng phát dịch tay chân miệng của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 300 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, rất may không có trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 10 là thời điểm giao mùa, toàn tỉnh đã có gần 80 ca trẻ em mắc bệnh, tập trung tại huyện Ia Grai và thành phố Pleiku.
      
Đặc biệt, ổ bệnh trong tháng 10 này được xác định xuất phát từ Trường Mầm non 1/5, xã Ia Yok, huyện Ia Grai với 34 ca trẻ em nhiễm bệnh. Số trẻ này đã được cơ sở y tế xã, huyện điều trị và ổn định về sức khỏe. Để xử lý ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan, UBND huyện Ia Grai đã ra công văn yêu cầu đóng cửa Trường Mầm non 1/5 từ ngày 12-22/10. Đồng thời, hệ thống y tế cơ sở cũng đang tích cực triển khai các giải pháp phòng chống bệnh. Trước đó, vào tháng 4/2018, tại Trường Mầm non 3/2 của huyện này đã xuất hiện ổ bệnh làm 13 học sinh nhiễm bệnh.

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ia Grai, phun thuốc khử trùng tại trường học Mầm non 1/5. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ia Grai, phun thuốc khử trùng tại trường học Mầm non 1/5. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Sáng 15/10, tại Trường Mầm non 1/5, Trung tâm y tế dự phòng huyện Ia Grai đã tiến hành phun hóa chất Cloramin B đợt 2. Tất cả các dụng cụ học tập và môi trường sinh hoạt của các cháu đều được phun hóa chất khử trùng. Đồng thời, nhà trường hướng dẫn cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh những kiến thức cần thiết để phòng chống bệnh tay chân miệng.
      
Cô Trần Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/5 cho biết: Từ ngày 1-8/10, trường phát hiện 2 ca học sinh nhiễm tay chân miệng. Bệnh bùng phát rất nhanh, cụ thể chỉ từ ngày 9-12/10, đã có thêm 32 trường hợp học sinh nhiễm bệnh. Sau khi được Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Y tế tỉnh Gia Lai triển khai công tác dập ổ bệnh, đến thời điểm hiện tại không phát hiện thêm ca bệnh nào. Chính quyền huyện có công văn cho học sinh nghỉ học 10 ngày nhưng đối với giáo viên, ngày nào cũng phải lên trường để vệ sinh trường lớp, khử trùng đồ dùng sinh hoạt, vui chơi của học sinh để phòng tránh bệnh tốt nhất cho các cháu sau khi quay lại trường học.
        
Bác sỹ thăm khám cho trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Bác sỹ thăm khám cho trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai đang điều trị cho 16 ca trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. Hầu hết các em này đều đã được kiểm soát bệnh và bôi thuốc đặc trị, sức khỏe ổn định. So với các ca bệnh tay chân miệng cùng kỳ năm ngoái, năm nay Gia Lai giảm gần 90 ca trẻ em nhiễm bệnh. 
        
Để người dân có thêm kiến thức về phòng chống bệnh tay chân miệng cho con em mình, bác sỹ Võ Thị Thu, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai khuyến cáo các bậc phụ huynh trên địa bàn về việc tăng cường giữ gìn vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ em để phòng chống bệnh tay chân miệng. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, sốt cao; tổn thương ở da như rát đỏ, mụn nước ở các vị trí như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân; bỏ ăn; tăng tuyến nước bọt; tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc… thì gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để bác sỹ có thể phát hiện và chữa trị sớm cho trẻ.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm