Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 của Viettel có khả năng nhập dữ liệu của 5 triệu mũi tiêm/ngày

Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 của Viettel có khả năng nhập dữ liệu của 5 triệu mũi tiêm/ngày

Ngày 29/7, theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của Viettel. 95% điểm bán tại Thành phố Hồ Chí Minh và 80% điểm bán tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Số lượng thuê bao di động của mạng Viettel có suy giảm do người dân giảm bớt số lượng sim và tiêu dùng viễn thông.

Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh, Viettel tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong trong công tác quản trị cũng như ứng dụng triệt để công nghệ để thúc đẩy kinh doanh và chăm sóc khách hàng trên các kênh trực tuyến. Trong lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin và và dịch vụ số, Viettel tiếp tục là đơn vị chủ lực trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, an ninh mạng, tiên phong kiến tạo xã hội số. Viettel tiến hành nâng cấp hạ tầng lưu trữ dữ liệu và chuẩn bị xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại Bình Dương. Tập đoàn mở rộng nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực y tế, viễn thám, công nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, Viettel đã thử nghiệm trạm “micro 5G” trên mạng lưới đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo lộ trình sẽ thương mại hóa mạng 5G vào cuối năm 2021.

Đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Viettel cũng tập trung nguồn lực để ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19. Đầu tháng 7/2021, Viettel đưa vào vận hành Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với năng lực đáp ứng được việc nhập dữ liệu, thông tin của 5 triệu mũi tiêm/ngày. Viettel cũng đã thực hiện kết nối gần 7.500 camera giám sát tại các khu vực cách ly tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thời gian dịch bệnh vừa qua, Viettel cũng bổ sung trạm, triển khai xe lưu động để đảm bảo chất lượng mạng lưới cho 28 bệnh viện dã chiến, 68 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 và 200 khu cách ly tập trung. Trước đó, Viettel đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch khác như Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), Tờ khai y tế điện tử (Vietnam Health Declaration), Hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm toàn quốc, Hệ thống tiêm chủng toàn quốc, Hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc.

Ngọc Bích

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm