Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận trung ương (ngồi giữa) - chủ trì hội thảo. Ảnh: tuoitre.vn |
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ nhiều nhưng chưa cụ thể với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; công tác kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chính sách về công tác cán bộ dân tộc thiểu số chưa được chú trọng, kịp thời. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, hiện nay, việc triển khai công tác đào tạo còn nhiều bất cập. Học sinh đi học theo diện cử tuyển hầu hết là những em có số điểm thấp, không đủ điều kiện vào học trong các ngành chủ lực nhưng được tài trợ tiền ăn học, trong khi nhiều em có điểm rất cao, được học ở những trường đại học lớn mà không được hỗ trợ kinh phí là một điều khá bất công... Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Nguyễn Bá Chiến cho biết, việc học sinh đi học theo diện cử tuyển (là con em dân tộc thiểu số) ở các địa phương là do UBND tỉnh cử đi đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, những thông tin nhằm quản lý sau khi sinh viên được cử đi học còn hạn chế. Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ, các cơ quan liên quan của địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến quá trình học tập của học sinh theo diện cử tuyển, để chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng cao. "Đáng lẽ Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương phải ký hợp đồng với nhà trường để thanh toán học phí cho sinh viên, nhưng hầu hết việc này được thực hiện rất chậm, gây ảnh hưởng đến chất lượng của học sinh cử tuyển", ông Nguyễn Bá Chiến thông tin. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, hiện nay công tác tổ chức cán bộ đối với người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, càng ở cấp quản lý cao, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số càng ít. Theo ông Nguyễn Lâm Thành, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác đào tạo chưa gắn với quy hoạch. Nhiều địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số rất lớn, nhưng số người tham gia vào hệ thống lãnh đạo các cấp lại rất ít cũng là lý do khiến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, theo ông Nguyễn Lâm Thành, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng môi trường chính sách, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các tổ chức địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ các cấp ở vùng dân tộc; xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ và khuyến khích cán bộ, công chức vùng dân tộc… Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thị Hiền, công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ ở các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, do người Tày có nhiều cách phát âm khác nhau nhưng giáo trình giảng dạy chỉ dùng một phương pháp, khiến cho việc phổ cập tiếng dân tộc chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Bà Hoàng Thị Hiền cho rằng, đội ngũ cán bộ phần lớn trưởng thành từ cơ sở nên nắm rõ về đặc điểm vùng miền, được cộng đồng tín nhiệm. Do đó, cấp ủy, chính quyền cần có sự rà soát, đánh giá cụ thể chất lượng cán bộ để có kế hoạch bồi dưỡng đúng đối tượng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, vấn đề nguồn lực rất quan trọng trong việc triển khai chính sách đối với đội ngũ cán bộ; đồng thời, công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra các chính sách này cũng rất quan trọng nhằm nâng cao nghiệp vụ với cán bộ người dân tộc thiểu số. Kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, người dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng rộng rãi trên toàn quốc, vì vậy, việc triển khai những chính sách dành cho họ là rất cần thiết. Những năm qua, Nhà nước có nhiều đề án, chính sách trực tiếp và gián tiếp nhằm thúc đẩy, giúp đỡ cho cộng động người dân tộc thiểu số. Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu chính sách đặc thù, căn cứ vào tỷ lệ người dân tộc trên từng địa bàn cụ thể để quy định số lượng cán bộ sao cho phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Theo bà Trương Thị Mai, một số bộ, ngành cần có cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc. Ví dụ, Chương trình Quốc gia về giảm nghèo bền vững buộc phải có cán bộ quản lý là người dân tộc thiểu số để tư vấn, theo dõi mới đem lại hiệu quả cao. "Hãy cho đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được bình đẳng trong làm việc và cuộc sống", Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Đỗ Bình