Năm học 2021-2022: Giáo dục Trung học chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021; triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học.

Năm học 2021-2022: Giáo dục Trung học chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2020-2021 là một năm “nhiều cảm xúc và nhiều thách thức” đối với ngành Giáo dục, diễn ra trong bối cảnh cả nước phải hứng chịu nhiều đợt dịch COVID-19 với những tác động to lớn đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội, trong đó có giáo dục - đào tạo. Sắp tới, năm học 2021-2022 sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng hầu hết các tỉnh, thành phố và diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian “vàng” đối với giáo dục là thời gian học sinh được học trực tiếp ở trường có thể bị giảm đi. Vì vậy, ngành Giáo dục cần có các giải pháp, trong đó có việc kết hợp dạy trực tuyến với trực tiếp, để có thể thực hiện tốt 3 mục tiêu: An toàn về dịch, hoàn thành chương trình và đảm bảo chất lượng.

Năm học 2021-2022: Giáo dục Trung học chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục ảnh 2Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch COVID-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Các cơ sở giáo dục Trung học đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, giúp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch COVID-19. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021 vừa qua.

Năm học 2021-2022: Giáo dục Trung học chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục ảnh 3Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp Trung học cơ sở, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Từ các sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức lựa chọn sách. Kết quả, tại mỗi tỉnh, thành phố, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được chọn từ 1 đến 5 bộ sách, trong đó tỉ lệ chọn 1 bộ/môn học khoảng 50%; 2 bộ/môn học khoảng 30%.

Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Trung học vẫn còn một một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng có nhiều khu công nghiệp, đặc biệt ở các môn học đặc thù như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ, Trải nghiệm - Hướng nghiệp... Tỷ lệ giáo viên/học sinh tại một số địa phương chưa bảo đảm. Một số giáo viên chưa chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Công tác giáo dục hướng nghiệp chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi do hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc lựa chọn sách giáo khoa và đăng ký mua sách giáo khoa tại một số địa phương còn thực hiện chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến công tác in ấn, phát hành sách tới tay học sinh.

Năm học 2021-2022: Giáo dục Trung học chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục ảnh 4Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát


Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Nhiệm vụ đầu tiên giáo dục Trung học đề ra cho năm học mới 2021-2022 là thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch năm học phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.

Năm học này, cấp Trung học cơ sở lần đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.

Việc phát triển đội ngũ nhà giáo; quy mô trường lớp, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và chất lượng giáo dục Trung học; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị trường học; thực hiện kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục Trung học… cũng là các nhiệm vụ được giáo dục Trung học đề ra cho năm học 2021-2022.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm