Người dân Mường Ảng thu hái cà phê. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Nhiều năm qua, cây cà phê được chính quyền huyện Mường Ảng xác định là cây trồng chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Thế nhưng, trước thực trạng những năm gần đây cà phê liên tục rớt giá, đặc biệt vụ cà phê năm nay mất cả mùa lẫn giá khiến người dân Mường Ảng lao đao và rơi vào tình cảnh đầu tư thì lỗ mà bỏ cũng chẳng xong.
Năm 2007, khi thành lập huyện Mường Ảng, diện tích cây cà phê trên địa bàn gần 350 ha, chủ yếu phát triển mạnh diện tích giai đoạn năm 2010 – 2012. Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.300 ha cây cà phê, phát triển tập trung ở các xã: Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao, Mường Đăng, Ngói Cáy và thị trấn Mường Ảng.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Ảng, giá cả cà phê từ năm 2012 đến nay biến động và giảm mạnh, niên vụ 2015 giá thu mua chỉ từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg quả tươi; niên vụ 2016 giá biến động từ 6.000 đồng – 10.000 đồng/kg; niên vụ 2017 giao động từ 5.000 đồng - 9.000 đồng/kg; dự báo giá cả niên vụ 2018 thấp, biến động từ 4.000 đồng - 6.000 đồng/kg quả tươi.
Giá cả đã thấp, trong khi sản lượng, năng suất cũng không mấy khả quan khiến người trồng cà phê ở Mường Ảng gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của UBND huyện Mường Ảng, niên vụ 2018 năng suất cà phê chỉ ước đạt 8 tạ/ha, sản lượng cà phê trấu khoảng 2.500 tấn; giảm hơn gấp 3 lần so với niên vụ 2017, năng suất là 23 tạ/ ha, sản lượng hơn 7.200 tấn.
Lý giải nguyên nhân sản lượng cà phê năm 2018 giảm mạnh, theo chính quyền huyện Mường Ảng là do thời tiết không thuận lợi; mặt khác sản lượng năm 2017 tăng cao cũng đồng nghĩa với việc lấy đi một lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng trong cây, làm cây bị suy kiệt. Bên cạnh đó, do giá cá bấp bênh nên người dân không mặn mà chăm sóc diện tích cà phê dẫn đến sản lượng bị suy giảm.
Người dân Mường Ảng thu hái cà phê. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Hiện nay, hầu hết các hộ trồng cà phê Mường Ảng đều đang gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh, sản lượng lại suy giảm mạnh. Một số hộ trồng cà phê đã phải tự thay đổi bằng cây trồng khác. Tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn đang phải bám trụ với cà phê vì loại cây này đã gắn bó với họ bao nhiêu năm nay, người dân cũng đã đầu tư vào loại cây này không ít tiền của, công sức. Mặt khác, để chuyển đổi sang loại cây trồng khác cũng phải mất nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư, bởi vậy không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Gia đình ông Tòng Văn Chung, bản Búng 1, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng có 4 ha cây cà phê. Thời điểm hiện tại ông đã thu hái được khoảng 4 tấn quả tươi, năm nay cà phê vừa mất mùa lại không được giá khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Ông Chung cho biết trồng cà phê được gần 5 năm nay nhưng giá cả bấp bênh nên rất khó khăn. Trong 5 năm chỉ được 1 năm là được giá, còn lại mất giá. Như năm nay giá đầu vụ là 5.300 đồng/kg quả tươi, trừ công hái cho nhân công mất 2.000 đồng/kg, còn lại phải lo bao nhiêu chi phí. Bây giờ không làm thì không có công ăn việc làm, mà đầu tư vào thì lỗ vốn.
Cùng chung suy nghĩ với ông Chung, ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên, xã Búng Lao cho biết, gia đình ông hiện có 6,5 ha cây cà phê. Trước đây cà phê bán ra được giá, nhưng mấy năm gần đây lại mất giá khiến người trồng cà phê không thể có lãi, thậm chí là lỗ vốn. Gia đình ông đã gắn bó với cây cà phê bao năm nay nên vẫn phải làm chứ không thể bỏ được. Ông mong chính quyền địa phương tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê của người dân để bà con yên tâm sản xuất.
Chính quyền huyện Mường Ảng cũng thừa nhận, việc trồng cà phê những năm qua mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, chưa chú trọng đến thị trường tiêu thụ; thị trường tiêu thụ cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp bên ngoài, không chủ động được đầu ra cho nhân dân, việc nắm bắt thông tin giá thị trường còn yếu, người trồng cà phê bị ép giá.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân vào sản xuất và sơ chế cà phê còn hạn chế, chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển cà phê sạch. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa thực hiện dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm cà phê còn gặp nhiều khó khăn.
Người dân Mường Ảng phơi cà phê. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng (Điện Biên) cho biết: việc trồng cà phê nếu được giá thì lợi nhuận đối với người dân là khá lớn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây giá cà phê xuống thấp khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Với giá cả như thời điểm hiện tại, người trồng cà phê đang bị thua lỗ. Chủ chương của huyện là vẫn phải duy trì ổn định diện tích cà phê hiện có, tập trung phát triển diện tích cà phê ở những hộ có điều kiện và những vùng đất có thể phát triển tốt loại cây này.
Cũng phải thừa nhận hiệu quả xã hội của cây cà phê mang lại rất lớn vì trồng loại cây này cần rất nhiều nhân công, qua đó đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Theo tính toán, hằng năm, thu nhập cho người lao động nhân công tại các vườn cà phê lên đến trên 100 tỷ đồng.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân trồng cà phê, UBND huyện Mường Ảng đã báo cáo UBND tỉnh Điện Biên và các sở, ngành để xem xét chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê về vật tư, phân bón cho người trồng cà phê khi mà người dân không còn đủ điều kiện để đầu tư; cụ thể hỗ trợ trong vòng 3 năm, năm đầu tiên hỗ trợ 70% lượng phân bón, năm thứ hai là 50% và năm thứ ba hỗ trợ 20% để giúp người trồng cà phê khi giá cả xuống thấp, bà con bớt khó khăn hơn. Ngoài ra cũng đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá đối với bà con khi giá cà phê thấp hơn 5.000 đồng/kg quả tươi.
Theo định hướng giai đoạn 2018 – 2020, huyện Mường Ảng giữ vững diện tích cà phê hiện có, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà phê toàn huyện đạt 3.500 ha, sản lượng cà phê trấu đạt trên 8.000 tấn. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản, đường vào khu sản xuất lớn tạo điều kiện chăm sóc, vận chuyển phân bón và sản phẩm sau thu hoạch; tạo nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi và hệ thống tưới cho các diện tích trồng cà phê tập trung; hoàn thiện việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cà phê Mường Ảng.
Ngoài ra, huyện cũng sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh vào địa bàn để thu mua cà phê nhằm tạo thị trường lành mạnh, tránh tình trạng người dân bị ép giá; thu hút đầu tư xây dựng 1 đến 2 nhà máy chế biến cà phê, rang xay…
Xuân Tư