Một số tỉnh, thành phố bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Một số tỉnh, thành phố bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 30/10 đến 16 giờ ngày 31/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.519 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh; 5.504 ca ghi nhận trong nước tại 46 tỉnh, thành phố (tăng 280 ca so với ngày trước đó); có 2.327 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc nhiều gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (1.041 ca); Đồng Nai (688 ca); Bình Dương (672 ca); Bạc Liêu (415 ca); An Giang (342 ca); Kiên Giang (295 ca); Tiền Giang (222 ca); Sóc Trăng (180 ca); Đắk Lắk (157 ca); Bình Thuận, Cần Thơ (130 ca); Tây Ninh (110 ca); Long An (109 ca); Hà Giang (103 ca)...

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 921.122 ca mắc, trong đó 820.334 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 22.083 ca tử vong. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.840 ca, trong đó, 1.947 ca thở ô xy qua mặt nạ; 477 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 114 ca thở máy không xâm lấn; 288 ca thở máy xâm lấn; 14 ca ECMO.

Từ 18 giờ ngày 30/10 đến 18 giờ ngày 31/10, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 49 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 12 ca tại cộng đồng, 29 ca tại khu cách ly và 8 ca tại khu phong tỏa. Phân bố theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai có 21 ca; chùm liên quan đến ổ dịch tại Nam Dư (phường Lĩnh Nam) có 8 ca; chùm sàng lọc ho, sốt có 4 ca; chùm liên quan ổ dịch tại phố Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa) có 4 ca; chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) có 3 ca; chùm ho, sốt thứ phát có 3 ca; chùm liên quan ổ dịch tại Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình) có 3 ca; chùm liên quan đến các tỉnh có dịch là 3 ca.

Đáng lưu ý là 2 ca mắc COVID-19, cư trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có bán hàng thịt lợn tại chợ Gia Lâm, phường Ngọc Lâm. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Ngọc Lâm đề nghị những người đã từng đến mua hàng, có liên quan tiếp xúc với hai người bán thịt lợn trong khung giờ 14h30-19h từ ngày 19-29/10/2021 tại hàng thịt lợn Chợ Gia Lâm (trước cửa số nhà 38, ngõ 323 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi ở hoặc Trạm Y tế phường Ngọc Lâm để được tư vấn, hỗ trợ, theo số điện thoại: Trạm Y tế Ngọc Lâm: 024. 38.733.953; Trưởng trạm Y tế ( Nguyễn Ngọc Sơn ): 0912.145.283; Chuyên trách dịch tễ (Nguyễn Thị Quỳnh Nga: 0987.015.832) hoặc liên hệ với Công An, Trạm Y tế Phường và các tổ dân phố.

Hà Nội hỗ trợ 3.086 tỷ đồng cho đối tượng khó khăn do dịch

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hơn 3.086 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn trong dịch COVID-19, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2.690 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là gần 395 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội, đến nay, các địa phương đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND; rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho hơn 290.000 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là gần 300 tỷ đồng.

Riêng với 3 nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, toàn thành phố đã hoàn thành công tác chi trả tổng kinh phí hỗ trợ hơn 282 tỷ đồng cho trên 282.000 người thuộc 3 nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, từ ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội thành phố Hà Nội cùng nhiều quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho hơn 1 triệu lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền trên 305 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã trích kinh phí gần 90 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ cho hơn 175.000 người khó khăn (bao gồm cả một số người nước ngoài khó khăn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội). Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ được 106.000 người khó khăn với số tiền 54,7 tỷ đồng.

Đối với nhóm người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tính đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chi trả cho 549.292 người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 1.365 tỷ đồng.

Đà Nẵng, Bình Dương triển khai tiêm vaccine cho học sinh

Ngày 31/10, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương đã có quyết định về việc tiêm vaccine cho học sinh

Theo đó, tại Đà Nẵng, để triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, học viên đang học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm giáo dục đạt hiệu quả, an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường, trung tâm thông tin về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh hay người giám hộ của học sinh. Mục đích tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”, “Vaccine phòng bệnh tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Cùng với đó, các đơn vị trường học kịp thời gửi đến phụ huynh về nội dung Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 và Bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em để phụ huynh nghiên cứu và thông tin đến bộ phận khám sàng lọc tại điểm tiêm về tình hình sức khỏe của con, em mình. Nhà trường có trách nhiệm gửi Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 đến phụ huynh và hướng dẫn phụ huynh nghiên cứu, ký xác nhận trước khi đưa học sinh đến điểm tiêm chủng.

Trước đó, Sở Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch 5252/KH-SYT về việc triển khai tiêm vaccine Pfizer tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, số vaccine được tiêm là 45.942 liều tương đương 45.942 người. Đối tượng tiêm là học sinh (bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài) đang theo học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm trực thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo; trẻ trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Thời gian tiêm vaccine đợt này từ ngày 2-5/11, được tổ chức tiêm lưu động và cố định với 15 địa điểm tiêm.

Ngày 31/10, tỉnh Bình Dương bắt đầu chiến dịch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng, sớm cho học sinh trở lại trường học.

Qua rà soát, toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 180.000 trẻ từ 12-17 tuổi nằm trong diện sẽ tiêm vaccine, với 360.000 liều vaccine Pfizer được Bộ Y tế phê duyệt cấp. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Dương, trong đợt đầu, tỉnh chỉ tổ chức tiêm vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường công lập và ngoài công lập, cơ sở bảo trợ xã hội. Sau đó sẽ hạ dần độ tuổi để tiêm đầy đủ cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19. Công tác tiêm chủng được phân luồng đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế đã lập danh sách học sinh thông qua phụ huynh của các em cam kết đồng ý tiêm ngừa cho các em.

Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ sử dụng loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất. Đây là vacine bảo đảm an toàn cho trẻ. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 2,3 triệu người tiêm tiêm mũi 1, đạt 96% dân số từ 18 tuổi trở lên và gần 1,6 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đạt khoảng 70-75% dân số.

PV

(Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

TTXVN

Có thể bạn quan tâm