Mô hình lớp ghép giúp học sinh dân tộc thiểu số ở Cao Bằng tự tin tiếp cận tri thức

Mô hình lớp ghép giúp học sinh dân tộc thiểu số ở Cao Bằng tự tin tiếp cận tri thức

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng duy trì mô hình lớp ghép bậc Tiểu học để bảo đảm quyền được học tập của trẻ em vùng cao, nhất là tại các thôn, bản biên giới. Mô hình lớp ghép góp phần quan trọng giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin tiếp cận tri thức, đảm bảo duy trì sĩ số, củng cố kết quả công tác phổ cập giáo dục Tiểu học.

Mô hình lớp ghép giúp học sinh dân tộc thiểu số ở Cao Bằng tự tin tiếp cận tri thức ảnh 1Lớp học ghép của thầy Lục Minh Kiện tại Điểm trường xóm Tềnh Cà Lừa, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Ảnh: baocaobang.vn

Những khó khăn ở lớp ghép

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có hơn 300 lớp ghép, mỗi lớp có từ 7-12 học sinh. Công tác dạy và học ở lớp ghép gặp nhiều khó khăn do học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, việc nói tiếng phổ thông còn hạn chế…

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học cơ sở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) có 7 lớp ghép. Các lớp ghép được tổ chức ở điểm trường khó khăn như Hò Lù, Cà Lò, Thôn Lũng, Lũng Quang, Lũng Chàm... Nhà trường phân công đủ giáo viên để dạy các lớp ghép.

Cô giáo Lý Thanh Trầm (giáo viên lớp ghép 1-2, điểm trường Cà Lò, Trường Tiểu học cơ sở xã Khánh Xuân) cho biết, điểm trường cách trường chính hơn 20 km. Học sinh chủ yếu là người Mông nên cô vừa dạy chữ, vừa dạy tiếng phổ thông cho các em. Do điểm trường ở xa, cô Trầm vào điểm trường từ thứ Hai, thứ Tư cô xuống núi đi chợ mua thức ăn, đồ dùng học tập cho học sinh... Sau đó, cô lên điểm trường dạy học tiếp đến hết tuần.

Về việc dạy học lớp ghép, cô Trầm chia sẻ: Để một buổi học đạt chất lượng, giáo viên phải sắp xếp thời gian phù hợp, liên tục đi lại trong lớp để giảng bài, giao bài và kiểm tra bài. Lớp ghép hai trình độ học hai buổi mỗi ngày, trong khi nhà các em ở xa, cô giáo kiêm thêm việc nấu bữa trưa cho học sinh...

Xóm Tềnh Cà Lừa, xã Quý Quân (huyện Hà Quảng) có 100% hộ dân là người Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Điểm trường Tềnh Cà Lừa cách điểm trường chính khoảng 4 - 5 km. Tuy nhiên, do chưa có đường, để đến được điểm trường chính, các em phải đi bộ theo đường mòn mất khoảng 2 - 3 giờ.

Dạy tại điểm trường Tềnh Cà Lừa đã hơn 4 năm, thầy Lục Minh Kiện cho biết, điểm trường có 2 lớp 1-3 và 2- 4 với 10 học sinh. Đa số các em gặp khó khăn khi nói tiếng phổ thông, hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức. Trong cùng một buổi, cùng một phòng học, thầy phải dạy cho học sinh của cả hai lớp khác nhau. Cách dạy học này vừa tốn thời gian, vừa làm cho giáo viên phân tâm không thể diễn đạt hết nội dung bài giảng. Chưa kể phòng học diện tích nhỏ, có hai bảng được gắn đối diện, học sinh ngồi quay lưng với nhau. Do khoảng cách quá sát nhau, không tránh được tình trạng học sinh lớp lớn quay sang nhắc bài cho các em hoặc nói chuyện, trêu đùa.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhiều giáo viên vẫn đang nỗ lực đem con chữ với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng cho học trò và nhân dân vùng cao.

Khắc phục khó khăn, mang tri thức cho học sinh vùng cao

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà trường và giáo viên đang khắc phục mọi khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học, đảm bảo duy trì sĩ số, củng cố kết quả công tác phổ cập giáo dục Tiểu học. Các địa phương chú trọng công tác dồn ghép học sinh lớp 3 về học tại điểm trường chính để các em có đủ điều kiện học hai môn Tiếng Anh và Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Điểm trường Bản Suối (Trường Tiểu học Minh Long, huyện Hạ Lang) có 5 học sinh học lớp ghép 3 - 4. Cô giáo Nông Thị Bích phụ trách lớp học ghép ở điểm trường này chia sẻ, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, học sinh miền núi thiệt thòi nhiều thứ. Ở lớp, ngoài thiếu trang thiết bị dạy và học, các em không được tiếp cận nhiều môn như Tin học, Ngoại ngữ… Thấu hiểu những khó khăn đó, cô Bích đang miệt mài từng con chữ, ân cần chỉ bảo cho học sinh.

Thầy Lục Minh Kiện, điểm trường Tềnh Cà Lừa cho biết, niềm vui của thầy là mỗi ngày thấy học sinh đến lớp đầy đủ và say mê với từng bài giảng, con chữ. Học sinh tại các điểm trường đều là con em đồng bào dân tộc, do vậy, vào mùa lên nương, nhiều gia đình không có thời gian đưa con đến trường. Nhiều gia đình thiếu lao động, các em phải nghỉ học ở nhà. Thầy và đồng nghiệp đã tìm đến nhà hoặc lên nương rẫy gặp phụ huynh tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho các em đến trường…

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức tập huấn lớp ghép hằng năm cho giáo viên mới được phân công giảng dạy; đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, dự giờ, giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện đối với giáo viên. Các trường phân công giáo viên dạy lớp ghép là người dân tộc bản địa, tạo thuận lợi trong giao tiếp tiếng mẹ đẻ, hiểu phong tục, tập quán địa phương, giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy…

Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc bố trí đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên dạy học lớp ghép.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm