Kết quả bầu cử tại các địa phương

Kết quả bầu cử tại các địa phương

Đối với đại biểu Quốc hội, tỉnh Bình Thuận đã bầu 7 đại biểu; bầu đủ 54 đại biểu HĐND cấp tỉnh, đúng số lượng, cơ cấu. Trong đó có 17 đại biểu tái cử, 15 đại biểu là nữ, 2 đại biểu tôn giáo, 2 đại biểu dân tộc. Ở cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã bầu được 372/375 đại biểu, thiếu 3 đại biểu phải bầu bổ sung. Đối với HĐND cấp xã, tại 127 xã, phường, thị trấn đã bầu được 3.553/3.597 đại biểu được ấn định, thiếu 44 đại biểu phải bầu bổ sung. 

Ủy ban bầu cử tỉnh Tây Ninh họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TTXVN
Ủy ban bầu cử tỉnh Tây Ninh họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TTXVN


* Chiều 26/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. 

Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV: Có 9/15 ứng cử viên đã trúng cử, đủ về số đại biểu theo quy định. Trong đó, có 2 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 22,2%; đại biểu là người dân tộc 5 người, chiếm tỷ lệ 55,56%; tái cử 1 người, chiếm tỷ lệ 11,1%; trình độ chuyên môn sau đại học 7 người, chiếm tỷ lệ 77,7%; đại học 2 người, chiếm tỷ lệ 22,2% 

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 có 85/141 ứng cử viên trúng cử, trong đó đại biểu nữ là 19 người, chiếm 22,35%; đại biểu dân tộc là 24 người, chiếm 28,24%; đại biểu trẻ tuổi 3 người, chiếm 3,53%; ngoài Đảng 4 người, chiếm 4,70%; tái cử 32 người, chiếm 37,65%; tôn giáo 5 người, chiếm 5,88%. Trình độ chuyên môn sau đại học 26 người, chiếm tỷ lệ 30,59%; đại học 53 người, chiếm 62,35%; dưới đại học 06 người, chiếm tỷ lệ 7,06%. 

Kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có 566/947 ứng cử viên trúng cử (số đại biểu được bầu là 568 người, thiếu 02. Tuy nhiên, Đắk Lắk không phải bầu thêm vì các đơn vị bầu thiếu đại biểu, đã có số người trúng cử đủ 2/3 số đại biểu theo quy định; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 5.511/9.299 ứng cử viên trúng cử (số đại biểu được bầu là 5.565). 

Như vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 54 đại biểu thuộc các đơn vị Krông Năng, Ea Súp, Krông Búk, Ea H’leo. Theo quy định 15 ngày sau bầu cử tỉnh Đắk Lắk sẽ bầu lại số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã còn thiếu theo quy định. 


* Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn. Theo đó, Vĩnh Phúc có 6/10 ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội và 50/84 ứng cử viên được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI.

Đợt bầu cử lần này tỉnh có 817.630 cử tri và 1.138 tổ bầu cử. Kết thúc ngày bầu cử 22/5, Vĩnh Phúc có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99%; toàn tỉnh có 1.137/1.138 khu vực bỏ phiếu kết thúc việc bỏ phiếu vào 19 giờ tối cùng ngày. Theo đánh giá của Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc, công tác bầu cử trên địa bàn diễn ra thành công tốt đẹp; giao thông thuận lợi; an ninh trật tự trên địa bàn ổn định; thông tin liên lạc thông suốt... Thành công của cuộc bầu cử đã khẳng định và phát huy quyền làm chủ, quyền và trách nhiệm của mỗi công dân; thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân và vì dân. 

* Chiều 26/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Định đã thông báo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn. Kết thúc ngày bầu cử 22/5, Bình Định có 1.193.018 cử tri đã đi bầu cử, đạt tỷ lệ 99,79%; trong đó có 1.166/1.257 đơn vị bầu cử đạt 100% cử tri đi bầu cử. Các địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao như huyện An Lão đạt 100%, thị xã An Nhơn đạt 99,92% và huyện Vĩnh Thạnh đạt 99,7%.

Theo đó, Bình Định có 8/14 ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội và 60/101 ứng cử viên được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh. Kết quả bầu đại biểu HĐND cấp huyện có 394/666 ứng cử viên trúng cử, đạt đủ số lượng, cơ cấu và thành phần theo dự kiến; kết quả bầu đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn có 4.193/7.160 ứng cử viên trúng cử. So với yêu cầu về số lượng, HĐND cấp xã còn thiếu 87 đại biểu so với số đại biểu được bầu tại các đơn vị bầu cử huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Theo Luật bầu cử qui định, sau 15 ngày Bình Định sẽ tổ chức bầu cử bổ sung tại các đơn vị bầu cử không đủ số lượng đại biểu qui định. 

* Ngày 25/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Tây Ninh tổ chức công bố kết quả bầu cử và danh sách gồm 52 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 . Trong số 52 đại biểu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2021 có 15 đại biểu là nữ (đạt 28,84%). 

Đánh giá kết quả công tác tổ chức bầu cử tại Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết, do có sự chuẩn bị kỹ càng, công tác bầu cử ở tỉnh diễn ra suôn sẻ, thuận lợi; đảm bảo bầu đủ số lượng 52/52 đại biểu HĐND tỉnh.

*  Ngày 25/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp triển khai các công việc sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên, tỉnh không tổ chức bầu cử lại, bầu cử thêm đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. 

Tuy nhiên, đối với đại biểu HĐND cấp xã, tại Thái Nguyên có 37 đơn vị bầu cử cấp xã của 8 huyện, thành phố, thị xã có số người trúng cử đại biểu HĐND xã chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu đã ấn định, cụ thể là còn thiếu 66 đại biểu. Do vậy, theo quy định tại Điều 79 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các đơn vị bầu cử cấp xã này cần thực hiện bầu cử thêm. Trong đó, huyện Đại Từ có số đơn vị phải tổ chức bầu thêm nhiều nhất là 15 đơn vị; huyện Phú Bình có 7 đơn vị phải tổ chức bầu cử thêm; huyện Đồng Hỷ có 4 đơn vị; huyện Định Hóa có 4 đơn vị; thị xã Phổ Yên có 3 đơn vị; thành phố Sông Công có 2 đơn vị; huyện Phú Lương có 1 đơn vị; huyện Võ Nhai có 1 đơn vị; thành phố Thái Nguyên không có đơn vị nào. 

* Ngày 26/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Theo đó, tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức bầu cử thêm tại 13 đơn vị bầu cử cấp xã do số người trúng cử đại biểu HĐND xã chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu ấn định theo Điều 79 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Cụ thể, tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra ngày 22/5, tỉnh Thái Bình có 12.427 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, số đại biểu ấn định được bầu là 7.377 đại biểu, cử tri đã bầu được 7.188 đại biểu. Trong đó, có 13 đơn bị bầu cử của 12 xã thuộc 6 huyện chưa bầu đủ 2/3 số lượng đại biểu được bầu ấn định nên phải bầu thêm. Cụ thể, huyện Thái Thụy có 2 đơn vị phải tiến hành bầu cử thêm; huyện Tiền Hải có 2 đơn vị, huyện Quỳnh Phụ có 1 đơn vị, huyện Vũ Thư có 1 đơn vị, huyện Đông Hưng có 4 đơn vị và huyện Kiến Xương có 3 đơn vị phải bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã. Việc bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã tại 13 đơn vị bầu cử ở tỉnh Thái Bình sẽ được tiến hành vào ngày 5/6/2016. 

Về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Thái Bình đã bầu đủ 9 đại biểu. Về bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thái Bình đã bầu được 66 đại biểu (thiếu 1 đại biểu ấn định được bầu), trong đó cơ cấu nữ là 14 đại biểu, ngoài đảng 5 đại biểu, tuổi trẻ 6 đại biểu, tôn giáo 2 đại biểu, tái cử 21 đại biểu. Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Bình đã thống nhất không tổ chức bầu thêm 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh còn thiếu. 

Về bầu cử HĐND cấp huyện, cử tri đã bầu đủ 339 đại biểu, trong đó có 76 đại biểu, tuổi trẻ có 14 đại biểu, tôn giáo có 16 đại biểu, tái cử có 128 đại biểu, ngoài đảng có 13 đại biểu. 

* Theo Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố diễn ra thành công, bảo đảm an toàn. Tỷ lệ cử tri trên địa bàn thành phố đi bầu cử đạt 99,8%. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, cử tri tại 2 đơn vị bầu cử của thành phố đã tham gia bầu đủ 6 đại biểu/10 ứng cử viên tham gia tranh cử. Đối với bầu cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX, đã bầu được 49/50 đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo khoản 2, Điều 79 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đơn vị bầu cử này đã bầu đủ 2/3 số đại biểu trúng cử nên sẽ không tổ chức bầu thêm. 

Ủy ban Bầu cử thành phố đang hoàn thành việc báo cáo kết quả bầu cử và gửi đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định, đặc biệt là lưu giữ phiếu bầu cử nghiêm túc, đúng luật định. 

* Ngày 25/5, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, cử tri tỉnh Quảng Nam đã bầu được 60 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó, đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 20%, đại biểu người dân tộc thiểu số là 10%, đại biểu ngoài Đảng là 3,3%, đại biểu dưới 35 tuổi là 3,3%, đại biểu tái cử 31,7%, đại biểu có trình độ đại học là 70% và sau đại học là 30%. 

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cho biết, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam và làm tốt công tác tuyên truyền, nên cử tri nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này. Xác định đây sự kiện chính trị của nhân dân, của đất nước, cử tri đã rất phấn khởi và nô nức đi bầu cử, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng nhất bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

* Ngày 25/5, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu nhận định, đến thời điểm này công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại địa phương đạt kết quả tốt, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra. 

So với cả nước, Lai Châu là một trong 6 tỉnh có số lượng cử tri đi bầu cử cao nhất, với tỷ lệ 99,96% tổng cử tri. Đồng thời, Lai Châu là một trong 10 tỉnh của cả nước được Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá cao, báo cáo các thông tin kịp thời, đúng tiến độ ở các thời điểm về công tác bầu cử.

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó 6 người đã trúng cử; 84 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, trong đó 50 người đã trúng cử, người có tỷ lệ phiếu cao nhất đạt 96,42% số phiếu bầu; 441 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, trong đó 267 người đã trúng cử; 4.556 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, trong đó 2.763 người đã trúng cử./.

* Ngày 24/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang họp báo thông tin sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. 

Theo ông Trần Văn Quân, Ủy viên Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh Hậu Giang, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Hậu Giang đạt về số lượng, cơ cấu thành phần và trình độ người trúng cử, với số phiếu bầu đạt từ 68,10% đến 75,28%. Cụ thể, tổng số đại biểu được bầu là 6 người và số người trúng cử là 6 người. Trong đó, cơ cấu kết hợp có 1 nữ, chiếm 16,67%; tái cử có 3 người, chiếm 50%. 

Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng đạt về số lượng, cơ cấu thành phần và trình độ của người trúng cử. Số đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu là 50 người và số người trúng cử là 50 người; số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 254 đại biểu và số người trúng cử 254 người; số đại biểu HĐND cấp xã được bầu là 2.103 đại biểu, số người trúng cử 2.096 người và có 7 xã bầu khuyết đại biểu. 

* Chiều 24/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Dương họp báo cáo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 

Theo ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh, số lượng đại biểu Quốc hội của tỉnh được bầu 9 đại biểu và số đại biểu trúng cử là 9 đại biểu, đảm bảo cơ cấu. 

Đối với bầu cử HĐND cấp tỉnh, các đơn vị bầu cử đều bầu đủ số lượng đại biểu. Số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ quy định nên không có đơn vị nào phải bầu thêm hay bầu lại. Cơ cấu cán bộ chủ chốt, lãnh đạo tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên và các đại biểu chuyên trách cấp tỉnh tái cử đều trúng cử. 

Đối với bầu cử HĐND cấp huyện, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố đều trúng cử. Tuy nhiên, một đơn vị là huyện Phú Giáo bầu thiếu 01 đại biểu nhưng vẫn đảm bảo 2/3 số đại biểu được bầu nên không phải bầu thêm. 

Có thể bạn quan tâm