Ươm mầm tài năng quan họ, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa. |
Đến thời điểm này, đã có hơn 10 chương trình biểu diễn nghệ thuật ở nhiều thể loại như tuồng, chèo, múa rối, kịch, ca múa nhạc… của các đơn vị nghệ thuật đã diễn ra ở Nhà hát Lớn. Có thể kể đến các chương trình để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả Thủ đô như: Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); “Vua Thánh triều Lê” (Nhà hát Cải lương Việt Nam); chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực (Nhà hát Chèo Việt Nam); “Công lý không gục ngã” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Vũ điệu hoa quỳnh” (Nhà hát Múa rối Việt Nam)... Không chỉ có các nhà hát trung ương tham dự mà các nghệ sỹ cố đô Huế cũng đã làm khán giả nức lòng với chương trình “Mùa đông xứ Huế” công phu và ấn tượng, đậm chất kinh kỳ. Thừa Thiên – Huế cũng là địa phương đầu tiên đưa chương trình nghệ thuật vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn sau các nhà hát Trung ương thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được việc biểu diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật chất lượng cao ở Nhà hát Lớn. Ông cho rằng "Chất lượng nghệ thuật tốt, nơi biểu diễn lý tưởng, khán giả đông" là 3 yếu tố tạo nên một thương hiệu nghệ thuật trong lòng khán giả. Bộ đã tạo điều kiện về địa điểm diễn là Nhà hát Lớn, một sân khấu đẹp, lộng lẫy ở trung tâm Thủ đô. Điều tiên quyết mà các nhà hát cần thực hiện là phải thực hiện chương trình chất lượng cao, thu hút đông khán giả - điều đó cũng có nghĩa là nhà hát đã xây dựng được thương hiệu bền vững nhất. Khi đã có sức sống lâu bền trong lòng khán giả thì dù biểu diễn ở bất cứ nơi nào cũng thu hút đông đảo người xem...
Đợt biểu diễn trong năm 2016 đã nâng tầm chất lượng của các chương trình, vở diễn khi được biểu diễn tại khán phòng sang trọng, tạo nên bầu không khí phấn khích trong giới nghệ sỹ, sự phản hồi tích cực từ phía khán giả yêu nghệ thuật chân chính, sự quan tâm của dư luận xã hội và báo chí. Điều đáng mừng là các buổi biểu diễn ngày càng thu hút nhiều khán giả trong nước mà còn có du khách quốc tế, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đã có những chương trình “cháy” vé, đó là điều đáng mừng khi hiện nay nghệ thuật chất lượng cao về cả nội dung và nghệ thuật thường hay bị lép vế trước những show ca nhạc, giải trí đơn thuần nhưng giá vé cao ngất trời.
Theo đánh giá của Cục Nghệ thuật biểu diễn: Các chương trình tham gia đợt biểu diễn đều được lựa chọn kỹ từ những tiết mục thành công của đơn vị đã được giới chuyên môn, khán giá công nhận về chất lượng nghệ thuật lẫn nội dung. Không chỉ có kịch, nhạc nhẹ, nhạc đỏ, nhạc thính phòng mà một số loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... hiếm khi được diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn nay đã có lịch biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn.
Đặc biệt đáng biểu lưu ý là khâu quảng bá, tuyên truyền nhằm thu hút khán giả đến mua vé xem chương trình nghệ thuật chất lượng cao đã được quan tâm chú trọng hơn trước. Kinh phí tổ chức các chương trình này không từ ngân sách nhà nước mà huy động từ nguồn tài trợ và nguồn thu từ bán vé. Nhiều khán giả đã chú ý đến các chương trình biểu diễn, mua vé đến Nhà hát Lớn thưởng thức nghệ thuật. Như vậy có thể thấy việc thường xuyên biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu chất lượng cao ở Nhà hát Lớn – vốn được coi là thánh đường của sân khấu là chủ chương đột phá về cách thức tổ chức, đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Tuy vậy, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cũng thẳng thắn cho rằng: Trong năm 2017, các nhà hát cần chủ động hơn trong thực hiện các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và du khách. Đo đó, các nhà hát khi đã tham gia biểu diễn cần chọn lọc kỹ càng hơn các tiết mục để tổng thể chương trình hấp dẫn, đạt hiệu quả nghệ thuật tốt hơn nữa. Mặt khác, các nhà hát cần gắn bó chặt chẽ với Nhà hát Lớn để thực hiện kế hoạch quảng bá, tuyên truyền sớm nhằm thu hút khán giả…