Liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm: Lợi cho người dân và cơ quan quản lý

Liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm: Lợi cho người dân và cơ quan quản lý

Từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành. Với những nỗ lực trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Dữ liệu quốc gia về bảo hiểm mang đến nhiều tiện ích cho người dân

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Do đó, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được cơ quan này ưu tiên triển khai. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Năm 2020, toàn ngành tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể khoảng 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh liên thông trên hệ thống Giám định bảo hiểm y tế). Từ tháng 01/2021 đến nay cũng đã có 38,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được tiếp nhận và giải quyết. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này góp phần giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm: Lợi cho người dân và cơ quan quản lý ảnh 1Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên hướng dẫn người dân kê khai đăng ký ứng dụng VssID. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Với vai trò là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành và triển khai trong toàn ngành kế hoạch thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP (quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm); hoàn thiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Tính đến hết ngày 19/6/2021, toàn quốc có trên 13,27 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 52,34% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, từ ngày 01/6/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với ngành y tế chính thức triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Đây được coi là một trong những bước đi quan trọng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong kế hoạch triển khai dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm mang đến nhiều tiện ích cho người dân. Theo đó, người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy, thay vào đó có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID. Cách làm này đã giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám, chữa bệnh, đồng thời người dân cũng không cần phải lo lắng việc bảo quản thẻ bảo hiểm y tế, quên thẻ bảo hiểm y tế; tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh được đảm bảo.

* Ứng dụng công nghệ xác thực vân tay để chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với những nỗ lực trong công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài ngành được Bộ Công an lựa chọn, triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân, được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của quốc gia.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (đối với các trường hợp có dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tính đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện việc rà soát, đối chiếu với 8,1 triệu thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID của ngành. Nhờ đó, người dân khi đăng ký giao dịch điện tử với Bảo hiểm xã hội Việt Nam càng thêm thuận tiện.

Khi công dân sử dụng căn cước công dân để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống sẽ tự động đối chiếu, xác thực thông tin do công dân kê khai, thông tin trong cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý (họ tên, số căn cước công dân, ngày sinh, giới tính) với thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bước xác thực trên giúp làm tăng tính chính xác của thông tin do được đối chiếu với thông tin gốc của người dân. Đồng thời, công dân không cần phải cập nhật ảnh căn cước công dân đính kèm, cơ quan Bảo hiểm xã hội không phải lưu giữ ảnh căn cước công dân, qua đó góp phần giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 2 triệu lượt đăng ký được xác thực.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thiện các thông tin gốc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ đề xuất cho phép sử dụng căn cước công dân có gắp chíp thay thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh. Các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR code trên căn cước công dân, sau đó gửi yêu cầu và nhận các thông tin do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý để thực hiện việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy hoặc thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khám, chữa bệnh hiện nay.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ căn cước công dân gắn chíp để chống lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn thẻ của người khác để lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh hay khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm