Ngày 16/9 (tức 29/7 âm lịch), tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 228 (1792 – 2020).
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định, huyện Tây Sơn, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã dâng hương, dâng hoa lên nơi thờ Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) cùng các tướng lĩnh, binh sĩ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Trước đó, ngày 15/9 (28/7 âm lịch), Ban tổ chức Lễ giỗ cũng đã dâng hoa, dâng hương tại đền thờ thân phụ mẫu của Tây Sơn tam kiệt tại di tích Gò Lăng, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn).
Theo thông lệ hằng năm, vào ngày 28 và 29/7 âm lịch, lãnh đạo tỉnh Bình Định, huyện Tây Sơn cùng đông đảo người dân tỉnh Bình Định, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) cùng các địa phương lân cận lại cung kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ vị anh hùng áo vải Hoàng đế Quang Trung - Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng lĩnh, binh lính của phong trào áo vải cờ đào đã tạo nên giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc.
Tuy chỉ sống 39 năm (1753 - 1792) nhưng Hoàng đế Quang Trung là vị hoàng đế duy nhất của dân tộc đã khởi xướng, lãnh đạo những người nông dân vùng lên dẹp tan nạn nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh và lật đổ nhà Hậu Lê; đánh tan các đội quân xâm lược của Xiêm La và nhà Thanh (Trung Quốc).
Trong các chiến công hiển hách của mình, Hoàng đế Quang Trung đã để lại cho lịch sử chiến tranh những điều ly kì khó lý giải với khả năng hành quân thần tốc. Các nhà viết lịch sử chiến tranh thế giới đã gọi cách tiến quân của nghĩa quân Tây Sơn là “tiến quân như vũ bão”. Trận thắng 20 vạn quân Thanh xâm lược vào sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (năm 1789) đã được ghi lại là một trong những bí ẩn lịch sử chiến tranh nhân loại về khả năng tiến quân.
Hoàng đế Quang Trung là vị tướng bách chiến bách thắng. Trong suốt 20 năm cầm binh từ khi mới 18 tuổi, Ngài đã trải qua rất nhiều trận chiến mà chưa thất bại trận nào. Ông cũng là vị hoàng đế được lịch sử ghi nhận là một nhà cải cách đa tài ở tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, kinh tế, tiền tệ, ruộng đất… Chính vì vậy, Hoàng đế Quang Trung là nhân vật được người dân kính bái bậc nhất. Hằng năm, vào các dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và ngày mồng 4 và 5 Tết Nguyên đán cùng ngày húy kị của Ngài, người dân từ nhiều nơi về Bảo tàng Quang Trung để chiêm bái, kính ngưỡng. Đây đã trở thành hoạt động văn hóa có giá trị giáo dục, lịch sử sâu sắc.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, bà Lê Bình Thanh cho biết: “Ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là một trong những hoạt động văn hóa của người dân trong và ngoài huyện. Người dân ở đây luôn tự hào nơi đây đã sản sinh ra anh hùng dân tộc kiệt xuất này. Huyện ủy, UBND huyện Tây Sơn luôn cố gắng phát huy những giá trị to lớn đó, tuyên truyền tấm gương giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc quật cường của lớp lớp người dân”.
Là một người dân của thị trấn Phú Phong, hằng năm, ông Phan Thanh Sơn đều đến dâng hương Hoàng đế Quang Trung mỗi dịp húy kị của Ngài. Ông Sơn cho biết: Người dân Tây Sơn và các vùng lân cận luôn tỏ lòng kính ngưỡng đối với vị Hoàng đế này. Từ xưa tới nay, ngày húy kị của Ngài luôn được tổ chức trang trọng, ngay cả trong thời Pháp thuộc, người dân cũng âm thầm tổ chức lễ giỗ Ngài. Bảo tàng Quang Trung hiện là điểm sinh hoạt lễ hội văn hóa, hoạt động lịch sử, tham quan du lịch rất có ý nghĩa.
Bảo tàng Quang Trung đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Phạm Kha