Tối 27/5, tại Quảng trường trung tâm Tượng đài truyền thống, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa; Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, huyện Hiệp Hòa và đông đảo nhân dân trên địa bàn tham dự.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng An toàn khu II của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hòa. An toàn khu II không những là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý mà còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với thế trận lòng dân vô cùng vững chắc. Nơi đây, đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Thanh Nghị…
Hiện nay, Di tích An toàn khu II Hiệp Hòa bao gồm 8 điểm: Địa điểm nhà ông Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba) xã Hoàng Vân - cơ sở cách mạng đầu tiên của ATK II Hiệp Hòa; chùa Y Sơn, xã Hòa Sơn - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết tuyên truyền cách mạng do đồng chí Lê Hoàng phụ trách trực tiếp ngày 22/2/1940; đền Soi, xã Hoàng Vân - địa điểm huấn luyện quân sự thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945; địa điểm nhà ông Nguyễn Văn Chế xã Hoàng Vân - nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng 11 năm 1942); đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm - nơi diễn ra cuộc mít tinh giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang và cũng là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm trên toàn quốc; đình Chợ Vân, xã Hoàng An - nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, cứu nước, giành chính quyền về tay nhân dân; địa điểm nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông) - nơi diễn ra Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; đình Vân Xuyên, xã Hoàng Vân - nơi đơn vị vũ trang của tỉnh cùng với tự vệ do đồng chí Lương Văn Đài và Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy, tiến vào huyện lỵ đập tan chế độ phong kiến và phát xít, thành lập chính quyền cách mạng.
Cũng trên mảnh đất cách mạng Hiệp Hòa, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 diễn ra một sự kiện đặc biệt đó là ngày 08/2/1955, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm, dự và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Cải cách ruộng đất đợt II.
Cùng với các Di tích An toàn Khu II, di tích Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên đã được đầu tư tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, Di tích An toàn khu II được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Quốc gia.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, bức tranh kinh tế - xã hội của Hiệp Hòa ngày càng phát triển toàn diện, trong đó điểm sáng là phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Linh hoạt ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới; là địa phương đi đầu trong tỉnh về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với 33 mô hình cánh đồng mẫu và 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiệp Hòa cũng là huyện đầu tiên triển khai Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Hiệp Hòa đã quan tâm tới việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa là tiền đề để phát triển du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện gắn với quảng bá, giới thiệu các sản vật nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của địa phương…
Với những thành tích nổi bật, huyện Hiệp Hòa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái trao Bằng công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới cho cán bộ và nhân dân huyện Huyện Hòa.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp các điểm di tích đặc biệt An toàn khu II, di tích Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng cũng như những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đại phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số. Huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp với thực tiễn trong thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050, phấn đấu đưa huyện Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV vào năm 2025. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể, dành nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp, các di tích Quốc gia đặc biệt ATK II, di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn với phát triển du lịch về nguồn.
Đồng Thúy