Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, những năm qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Đến nay, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên đã lan tỏa, sôi nổi trên phạm vi toàn tỉnh, đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Sôi nổi khởi nghiệp, lập nghiệp

Đắk Lắk là tỉnh nông nghiệp, có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn tỉnh hiện có 436.895 thanh niên. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tiềm năng, thế mạnh địa phương, thanh niên các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực làm giàu trên chính quê hương mình, khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 1Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk tham quan, tìm hiểu các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. Ảnh: TTXVN phát.

Anh Y Pốt Niê (sinh năm 1988, dân tộc Ê Đê, trú buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) vốn là bác sĩ đa khoa song anh đã rẽ hướng, khởi nghiệp từ cây cà phê và thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ê Đê Café. Anh vừa chế biến, phân phối cà phê bột vừa thu mua cà phê của người dân trong buôn. Đến nay, anh đã liên kết với 100 hộ dân canh tác cà phê hữu cơ, trung bình, mỗi năm xuất bán 150 tấn cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột của công ty đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao.

Theo anh Y Pốt Niê, anh chọn khởi nghiệp từ cây cà phê vì anh sinh ra, lớn lên giữa bạt ngàn cà phê, chính cây cà phê đã mang lại nguồn thu nhập chính nuôi anh học đại học. Dù làm bác sĩ đa khoa, song anh luôn trăn trở việc bà con bán ra với giá thấp, anh ấp ủ ý tưởng giúp người dân bán cà phê được giá tốt hơn. Khởi nghiệp thành công, anh được nhiều cấp, ngành trong tỉnh và Trung ương ghi nhận, khen thưởng. Mới đây, anh được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, đó là động lực để anh nỗ lực mỗi ngày.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 2Ngoài nuôi trùn quế, anh Triệu Văn Hưng (sinh năm 1987, dân tộc Tày, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) còn trồng cây ăn trái xen vườn cà phê. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên, anh Triệu Văn Hưng (sinh năm 1987, dân tộc Tày, trú thôn Tam Đồng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) quyết định khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi trùn quế. Đến nay, sau hai năm khởi nghiệp, trang trại nuôi trùn quế rộng 2.000m2 mang đến cho gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh Hưng chia sẻ, thời gian đầu, anh lên mạng internet để học hỏi và khởi nghiệp cùng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức Đoàn Thanh niên giúp anh khởi nghiệp thành công. Ngoài ra, anh còn nuôi bò, gà và trồng cây ăn trái xen cây cà phê để thành trang trại tự cung tự cấp, mang lại nhiều nguồn thu nhập.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 3Bỏ công việc ở cơ quan nhà nước, Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1992, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) khởi nghiệp thành công với trà mãng cầu. Ảnh: TTXVN phát.

Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên đã lan tỏa từ thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như các huyện Ea H’Leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, M’Drắk, Krông Năng ở nhiều ngành, nghề khác nhau. Nhiều thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành công đã đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội.

Phong trào đi vào chiều sâu

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các sở, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức chương trình đối thoại với thanh niên; Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tuyên dương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng chuyên môn, hỗ trợ kết nối việc làm, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 4Từ số vốn vay 60 triệu đồng, sau 4 năm khởi nghiệp, doanh thu của Nguyễn Văn Sơn (trái, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) khoảng 3 tỷ/năm. Ảnh: TTXVN phát.

Từ năm 2019-2022, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 15 dự án thanh niên khởi nghiệp từ nguồn vốn vay “Khởi nghiệp với lãi suất 0%", tổng giá trị 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn tận dụng các nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế. Tổ chức Đoàn, Hội các cấp thường xuyên triển khai hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ thành lập mới các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 5Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2022 thu hút 100 dự án ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, là sân chơi lớn thu hút thanh niên tham gia. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Bí thư Huyện đoàn Ea H’Leo Lê Ngọc Tuân cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Huyện đoàn đã tổ chức ngày hội việc làm, giới thiệu việc làm cho hơn 600 đoàn viên, thanh niên; tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ 9 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Huyện đoàn kêu gọi các nguồn xã hội hóa trao 1.000 cây dổi giống, 18 con dê giống và tiền làm chuồng trại cho 40 hộ thanh niên khó khăn. Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tham mưu và tạo điều kiện về nguồn vốn khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phát huy Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi để tạo sân chơi, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn, trong phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay, đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu. Thanh niên các dân tộc đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, mô hình hay, xây dựng được doanh nghiệp thành công, có tiếng tăm, từ đó thúc đẩy phong trào sáng tạo, khởi nghiệp gắn với kinh tế số, chuyển đổi số. Có thể khẳng định, phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp của thanh niên các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã từng bước có chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt, khẳng định vị trí của thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2022. Sau hai năm gặp khó khăn do dịch COVID-19, cuộc thi tái khởi động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên; thu hút 100 dự án ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực tham dự. Cuộc thi từng bước khẳng định là sân chơi lớn, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ảnh 6Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tận dụng các nguồn vốn vay để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Ảnh: TTXVN phát.

Theo anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đắk Lắk, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2022 nhận được nhiều dự án khởi nghiệp và đã có sản phẩm của thanh niên, chứng tỏ đoàn viên, thanh niên đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình khởi nghiệp và tham gia cuộc thi. Để tiếp lửa cho đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều buổi tư vấn, kết nối với chuyên gia, tập huấn, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và kêu gọi nguồn vốn cho các dự án.

Với niềm tin mạnh mẽ “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”, đoàn viên, thanh niên các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang miệt mài, nỗ lực, không quản ngại khó khăn trên con đường lập thân lập nghiệp, khẳng định bản thân, hội nhập thế giới. Trong đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đóng vai trò nòng cốt khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển bản thân, cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm