Trình diễn thời trang Tơ lụa Bảo Lộc và Thổ cẩm Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN |
Theo đó, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; tiếp tục củng cố và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật địa phương; tăng cường phát huy, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo phong trào cơ sở. Tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đến du khách và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước…
Để tốt các nhiệm vụ trên, tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 của các tỉnh Tây Nguyên, hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cho các xã, thôn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, Bộ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để kịp thời động viên những người quản lý nhà văn hóa cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng và người dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 21/12/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa.
Lâm Đồng hiện có 36 di tích gồm hai di tích cấp quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Khảo cổ Cát Tiên, 18 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đang được các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phục vụ du lịch hiệu quả như Thung lũng tình yêu, thác Đatanla, thác Prenn, hồ Tuyền Lâm. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc giữ gìn, tôn tạo cảnh quan và những công trình kiến trúc của thành phố Đà Lạt.
Để tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tỉnh đã ban hành các đề án về bảo tồn, phát triển không gian văn hóa cồng chiêng; bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển làm nghề truyền thống. Lâm Đồng thực hiện cam kết với tổ chức UNESCO về xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa phi vật thể nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Hàng năm, tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa cồng chiêng, đầu tư, phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống như lễ Powthi của người Churu và nhóm người K’ho, lễ Nhô-Wèr của người K’ho Srê, các nghi lễ cúng lúa rẫy của người Mạ…
Tỉnh tiếp tục động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm có giá trị; tổ chức nhiều đợt đi thực tế, sáng tác hàng trăm tác phẩm có giá trị được công chúng đón nhận; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…
Chu Quốc Hùng
TTXVN