Lâm Đồng: Cần giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh cải tạo đèo Mimosa

Lâm Đồng: Cần giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh cải tạo đèo Mimosa

Đèo Mimosa hiện đang là tuyến đường huyết mạch nối thành phố Đà Lạt, trung tâm tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh, thành phía Nam, sau khi đèo Prenn đóng cửa để nâng cấp cải tạo. Hiện đèo Mimosa trong khi hoạt động, vẫn đang tiếp tục thực hiện 1 dự án nâng cấp, cải tạo khác. Tuy nhiên, do xảy ra tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị thi công tuyến đèo này, nên dự án đang được thi công ở mức cầm chừng và liên tục xảy ra xung đột kinh tế, ảnh hưởng tới an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.

Lâm Đồng: Cần giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh cải tạo đèo Mimosa ảnh 1Việc thi công cầm chừng trên đèo Mimosa đang làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Trước tình hình trên, ngày 14/8/2023, Phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) đã có văn bản số 145/DDHDA2- MMS về việc đề nghị giải quyết dứt điểm các tranh chấp liên quan đến việc cung cấp vật liệu trên tuyến đèo Mimosa- Dự án nâng cấp cải tạo đoạn đèo tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên Quốc lộ 20 tỉnh Lâm Đồng.

Theo văn bản này, Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đèo Mimosa và một số công trình quốc lộ 20 qua địa phận tỉnh Lâm Đồng) đã yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng 469 và Công ty cổ phần Quản lý, xây dựng giao thông Khánh Hòa, giải quyết dứt điểm các tranh chấp liên quan tới cung cấp vật liệu thi công tuyến đèo Mimosa Đà Lạt.

Theo Ban Quản lý dự án 85, đơn vị trúng gói thầu thi công nâng cấp, cải tạo đèo Mimosa, đoạn từ Km3+500 tới Km8+871 (thuộc địa phận thành phố Đà Lạt) trị giá 45 tỷ đồng trên là Công ty cổ phần Xây dựng 469 (nhà thầu chính) và Công ty cổ phần Quản lý, xây dựng giao thông Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa, nhà thầu phụ).

Lâm Đồng: Cần giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh cải tạo đèo Mimosa ảnh 2Tuyến đèo huyết mạch Mimosa đang bị ảnh hưởng do thi công cầm chừng. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Tháng 7/2023 vừa qua, đơn vị thi công của Công ty Khánh Hòa đưa máy móc tới thi công thì phát sinh tranh chấp với Công ty cổ phần Bê tông Đức Trọng. Nguyên nhân là do trước đó Công ty Khánh Hòa đã ký kết hai hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoàn Phát Đắk Nông (Công ty Đắk Nông) và Công ty cổ phần Bê tông Đức Trọng (Công ty Đức Trọng), nội dung giao khoán, cung cấp vật tư và thi công gói thầu trên.

Sau khi các bên ký kết hợp đồng, Công ty Khánh Hòa đã bàn giao hồ sơ công trình cải tạo, nâng cấp đèo Mimosa cho Công ty Đức Trọng, yêu cầu đối tác tập kết máy móc, thiết bị, con người, thuê mặt bằng dựng lán trại, tập kết vật tư về công trình. Sau đó, giữa Công ty Khánh Hòa với Công ty Đức Trọng và Công ty Đắk Nông xảy ra mâu thuẫn phát từ việc phát hành 2 thư bảo lãnh của Công ty Đức Trọng. Theo thỏa thuận, sau 7 ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Công ty Khánh Hòa phải thanh toán khoản tiền tạm ứng hơn 8 tỷ đồng cho Công ty Đức Trọng.

Dù vậy, gần 1 tháng sau khi Công ty Đức Trọng phát hành 2 thư bảo lãnh của ngân hàng, Công ty Khánh Hòa lại không đồng ý, yêu cầu Công ty Đức Trọng phải sửa lại nội dung bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng. Công ty Đức Trọng cho rằng, yêu cầu của phía đối tác gây bất lợi cho doanh nghiệp. Sau nhiều lần đàm phán không thành, Công ty Đức Trọng đề nghị chấm dứt và thanh lý hợp đồng.

Trong lúc các bên chưa giải quyết xong hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, Công ty Khánh Hòa đã hợp đồng với một đơn vị khác cung cấp vật liệu và thi công gói thầu cải tạo, nâng cấp đèo Mimosa, với chiều dài hơn 5 km khiến các bên phát sinh tranh chấp căng thẳng. Công ty Khánh Hòa cho rằng, hợp đồng đã ký kết với Công ty Đức Trọng là “chưa có hiệu lực theo điều khoản hợp đồng”. Trong khi trước đó, Công ty Đức Trọng đã tập kết máy móc và thực hiện các bước đo đạc, khảo sát chuẩn bị cho quá trình thi công.

Lâm Đồng: Cần giải quyết tranh chấp, đẩy nhanh cải tạo đèo Mimosa ảnh 3Đơn vị thi công do Công ty Khánh Hòa thuê mướn đang thi công cầm chừng tại gói thầu. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Trước tình hình trên, Phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 đã có văn bản 145, yêu cầu nhà thầu chính là Công ty cổ phần Xây dựng 469 chỉ đạo nhà thầu phụ là Công ty Khánh Hòa khẩn trương cử lãnh đạo đơn vị làm việc với các đối tác giải quyết dứt điểm các nội dung tranh chấp, mâu thuẫn để tránh gây ảnh hưởng đến triển khai thi công trong thời gian tới. Tuy nhiên theo chứng kiến của phóng viên, hiện đội thi công do Công ty Khánh Hòa thuê mướn vẫn đang tiếp tục thi công cầm chừng gói thầu này. Mỗi ngày chỉ có 1 chiếc máy xúc nhỏ, 1 xe lu và vài chiếc xe tải nhỏ, cùng 7- 8 công nhân làm việc tại công trình. Trong khi đại diện của Công ty Đức Trọng liên tục tới công trường yêu cầu dừng thi công để giải quyết xong thủ tục chấm dứt hợp đồng.

Từ tháng 2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng cho đóng đèo Prenn để thực hiện việc mở rộng tuyến đèo này. Toàn bộ các phương tiện lên, xuống thành phố Đà Lạt đều phải đi qua đèo Mimosa vốn đã chật hẹp nay càng trở nên quá tải. Việc các bên phát sinh tranh chấp do chưa giải quyết xong hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công, hoạt động lưu thông bình thường của các phương tiện và hình ảnh của thành phố Đà Lạt trong con mắt người dân, du khách.

Trước đó, tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình thuộc quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm