Lai Châu là tỉnh có hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa, các em nhỏ còn thiếu sân chơi trong dịp hè nên thường xuyên ra khu vực sông, suối chơi, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra đối với trẻ, tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền người dân, trẻ em nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Mặc dù xảy ra đã hơn một tháng, nhiều người dân thành phố Lai Châu vẫn chưa quên vụ đuối nước thương tâm của hai học sinh lớp 7, Trường Trung học Cơ sở Đông Phong, phường Đông Phong tại khu vực đầu nguồn suối San Thàng. Gần đây nhất, vào cuối tháng 5, khi các con nghỉ hè, vì vào vụ làm nương, vợ chồng anh Vàng A Của (bản Tà Hử, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, Lai Châu) gửi các con ở nhà với bà ngoại để đi làm. Trong lúc bà ngoại bận nấu cơm, cháu Vàng Thị Uyên C. cùng các bạn ra suối Lĩnh chơi. Hậu quả, cháu C. bị ngã xuống suối và tử vong.
Chị Thào Thị Lia, mẹ của cháu C. đau lòng chia sẻ, bản ở gần suối, mỗi khi đi làm nương, vợ chồng chị đều dặn dò các con không được ra đó chơi. Chị mong từ sự việc của gia đình mình, bà con trong bản và các bậc cha mẹ quan tâm, chú ý hơn khi để con ở nhà trong dịp nghỉ hè.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, năm 2021, toàn tỉnh có 15 trẻ bị đuối nước thương tâm. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2022, số trẻ em bị đuối nước có dấu hiệu gia tăng với 11 trẻ. Tình trạng này đang báo động về nguy cơ mất an toàn cho trẻ trong dịp hè, đặc biệt thời điểm này Lai Châu bước vào cao điểm mùa mưa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Phòng, chống tệ nạn và Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho hay, nguyên nhân thường gặp từ các vụ đuối nước là do các em chưa biết bơi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; trẻ chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước; sự chủ quan, thiếu giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn… Qua vụ việc trên, phòng khuyến cáo tới các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, những gia đình có trẻ nhỏ cần nâng cao trách nhiệm và cùng chung tay phối hợp với nhau quyết tâm giảm thiểu tình trạng đuối nước, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống đuối nước cho trẻ, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu đã phát động Tháng hành động vì trẻ em và các cuộc tư vấn trực tiếp về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho trẻ. Sở phối hợp với ngành Giáo dục địa phương quan tâm, triển khai tuyên truyền hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh các kỹ năng phòng, chống đuối nước; khuyến khích tổ chức các lớp dạy bơi nhằm bổ trợ kỹ năng bơi cho trẻ. Các khu vực bãi tắm tự phát, sông, ao, hồ... được quan tâm lắp biển cảnh báo đề phòng đuối nước.
Công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ được các sở, ban, ngành tích cực hưởng ứng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước với hơn 300 học sinh thuộc các trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu tham gia.
Tỉnh Đoàn Lai Châu triển khai nhiều hoạt động nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Anh Phạm Ngọc Đang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết: Tỉnh Đoàn chỉ đạo các Huyện Đoàn, Thành Đoàn, Chi đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng với nhiều hoạt động rèn kỹ năng sống vui chơi, bổ ích; huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công trình khu vui chơi tại nhà văn hóa bản, tổ dân phố. Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh trong công tác quản lý con em trong dịp hè. Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, các bể bơi tư nhân tổ chức các khóa học bơi cho trẻ nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các em trong dịp hè.
Đinh Thùy