Kỳ vọng đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung

Kỳ vọng đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung

Tại “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023” tổ chức sáng 25/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, với những tiềm năng và lợi thế, với tư duy và cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Bình thời gian qua, cùng với lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực tại Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, chắc chắn rằng tỉnh Quảng Bình sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.

“Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Kỳ vọng đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định quy hoạch và tặng hoa chúc mừng tỉnh Quảng Bình. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Hội tụ nhiều tiềm năng

Ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.

Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ gồm Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam đang khẩn trương thi công; đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông Tây, Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Savan Nakhet. Ga đường sắt Đồng Hới là ga chính.

Tỉnh có sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La. 2 khu kinh tế và 10 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, đáp ứng để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ.

Đặc biệt, Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Phong Nha - Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu, phần lớn diện tích là đá vôi và liên kết với khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm nô của Lào, tạo thành khối Karst rộng lớn vùng Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Quảng Bình có bờ biển dài trên 116km với nhiều bãi tắm đẹp; du lịch Quảng Bình còn hấp dẫn du khách bởi chuỗi các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển…

Ông Trần Thắng cho biết thêm, Quảng Bình luôn xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.

Nhấn mạnh mục tiêu Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, ông Trần Thắng cho biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng; 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 4 trụ cột phát triển kinh tế và 3 đột phá chiến lược.

Để cụ thể hóa những mục tiêu này vào thực tiễn, đưa Quảng Bình bứt phá đi lên, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Triển khai quy hoạch sớm nhất


Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, “Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023” đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách thuận lợi, gần gũi nhất, kết nối nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Kỳ vọng đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung ảnh 2Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Như vậy, Quảng Bình đã được định vị gần gũi hơn với các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng. Ý kiến tham luận của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng… đã mở ra nhiều phương hướng mới trong hoạt động thu hút đầu tư, không chỉ giới hạn ở đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn tư nhân, vốn vay, mà còn có hình thức đầu tư công tư (PPP), tạo “sân chơi” đa dạng, phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương, hứa hẹn tương lai rộng mở, bền vững, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên.

“Tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực”, Bí thư tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho hay.

Việc thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, kết quả của Quy hoạch sẽ luôn gắn với sự phát triển, giàu mạnh của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, hoàn thành mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Thực hiện các giải pháp chiến lược

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp; bản thân nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Quảng Bình cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh đột phá với 4 trụ cột phát triển, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược.

Bên cạnh đó, Quảng Bình cần tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch. Cùng đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình, thu hút doanh nghiệp và giữ chân doanh nghiệp.

Trong quy hoạch du lịch, tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Du lịch Quảng Bình bước đầu đã có những khởi sắc và gây được tiếng vang trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình cần quán triệt sâu sắc, nghiên cứu kỹ để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Bình phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tập trung triển khai một số nội dung: khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, vùng và tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.

Các bộ, ngành cũng cần tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung và Quảng Bình nói riêng huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư để tăng tốc phục hồi và phát triển…

Với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong rằng, thông qua hội nghị, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, đến để trải nghiệm sự độc đáo, khác biệt của Quảng Bình.

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng (khoảng 0,14 tỷ USD); 24 biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực: hạ tầng, thể thao du lịch, công nghiệp - khoáng sản, bất động sản với tổng vốn đăng ký 45.843 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) cũng đã được ký kết.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm