Kỳ thi tuyển sinh lớp 10: Đề thi vừa sức nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa

Ngày 6/6, nhiều thí sinh tại các tỉnh, thành phố tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông đánh giá đề thi môn Ngữ văn vừa sức, không đánh đố hay làm khó thí sinh, nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định; trong khi đề thi môn Toán có một số câu hỏi khó, không dễ để thí sinh đạt điểm 9 và 10.

vna_potal_hon_44000_thi_sinh_tai_nghe_an_ket_thuc_ky_thi_vao_lop_10_thpt__7416144(1).jpg
Kết thúc môn thi Toán sáng 6/6/2024, hầu hết các thí sinh đánh giá đề thi năm nay có độ phân hóa cao và có 2 câu hỏi khó, nên sẽ hiếm có được điểm tối đa. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Đảm bảo mức độ phân hóa và đánh giá chất lượng thí sinh

Sáng 6/6 là ngày thi cuối cùng của hơn 44.000 thí sinh tỉnh Nghệ An trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông, với môn thi Toán theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Từ chiều và tối 5/6, trên địa bàn thành phố Vinh và một số huyện đã có mưa to, xua tan nắng nóng và oi bức, giúp thí sinh thuận lợi trong quá trình làm bài, phần nào vơi bớt áp lực cho các thí sinh trong ngày thi cuối cùng. Bước vào môn thi Toán, nhiều thí sinh đặt quyết tâm để hoàn thành bài thi với kết quả cao nhất vì đây sẽ là môn thi quyết định đến điểm số của các em. Kết thúc buổi thi, hầu hết các thí sinh đánh giá đề thi năm nay có độ phân hóa cao và có 2 câu hỏi khó, vì vậy sẽ hiếm có được điểm tối đa. Kết quả của môn thi này cũng sẽ ảnh hưởng đến điểm đầu vào của các nhà trường.

Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu, em Hà Trang (học sinh Trường Trung học Cơ sở Hưng Bình, thành phố Vinh) khá hài lòng với bài thi môn Toán. Trang cho biết đề thi có tất cả 5 câu, em lần lượt làm đến gần hết câu hình học, tức là câu 4c. “Câu 4c em thấy hơi khó nhưng vẫn cố gắng làm, hi vọng có được điểm số nhất định. Riêng câu 5 (0,5 điểm), em không làm vì đó là câu phân loại cao. Em cũng không đủ thời gian để giải câu cuối cùng này của đề. Theo em, đề thi Toán năm nay có độ khó tương đương năm trước. Em hi vọng sẽ được 9 điểm”, Hà Trang nói. Tương tự, tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, em Lưu Bảo Khánh (học sinh Trường Trung học Cơ sở Lê Mao, thành phố Vinh) dự đoán làm được khoảng 8,5 – 9 điểm môn Toán, nhưng chưa như mục tiêu đặt ra. “Đề Toán năm nay, câu nào khó là khó hẳn, ví dụ câu 5 em chỉ đọc đề chứ không kịp làm và cũng chưa nghĩ ra được cách giải”, Bảo Khánh cho biết. Nữ sinh này cũng đăng ký thi vào Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu. Điểm trúng tuyển vào trường này bao gồm điểm nền của 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 (hệ số 1) và điểm môn chuyên (nhân hệ số 3). Bảo Khánh thi vào lớp chuyên Sinh học, nên dù chưa như kỳ vọng với bài làm môn Toán, nhưng em cũng hài lòng và tập trung cho bài thi chuyên vào ngày 8/6 tới.

vna_potal_hon_44000_thi_sinh_tai_nghe_an_ket_thuc_ky_thi_vao_lop_10_thpt___7416148.jpg
Kết thúc môn thi Toán sáng 6/6/2024, hầu hết các thí sinh đánh giá đề thi năm nay có độ phân hóa cao và có 2 câu hỏi khó, nên sẽ hiếm có được điểm tối đa. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tuy nhiên, ở các huyện, nhiều thí sinh lại than khó với đề Toán. Em Nguyễn Thị Hòa - Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết: “Em thấy đề thi Toán năm nay khó hơn hẳn so với năm trước. Mức độ phân hóa cũng không phải lần lượt từ dễ đến khó, mà trong mỗi câu đã có phần phân loại học sinh". Đánh giá về đề thi môn Toán, thầy giáo Nguyễn Công Tiến, giảng dạy môn Toán tại Trường Trung học Cơ sở Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương cho rằng, so với năm ngoái, đề thi năm nay ổn định, không “đánh đố’, nhiều câu hỏi dễ nên tỷ lệ học sinh đạt được từ 7 – 8,5 điểm sẽ nhiều, tuy nhiên để đạt được điểm 9 và 10 lại rất khó. Cấu trúc đề thi khá hợp lý khi có những câu hỏi nâng cao, đòi hỏi các em vận dụng nhiều kiến thức theo hệ thống hoặc tổng hợp mới giải được. Điều này đảm bảo mức độ phân hóa và đánh giá chất lượng thí sinh rất tốt.

Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của tỉnh diễn ra từ ngày 5 - 6/6. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, công tác hỗ trợ cho Kỳ thi diễn ra chu đáo, đúng kế hoạch. Qua kiểm tra, 69 Hội đồng thi triển khai đúng quy chế, nhiệm vụ. Đội ngũ giáo viên, cán bộ coi thi triển khai các nội dung theo quy định của quy chế. Các buổi thi diễn ra thuận lợi, an toàn và bảo mật; có 63 thí sinh vắng thi, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Công tác phối hợp của các sở, ngành khá tốt. Các tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện, thị xã được đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không gây ùn tắc. Đồng thời, lực lượng đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt công tác tiếp sức mùa thi, tặng quà, dụng cụ học tập cũng như hỗ trợ phương tiện thuận lợi để các thí sinh đến các điểm thi an toàn, đúng giờ. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Nghệ An có 44.689 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường công lập trên toàn tỉnh, trong đó, số chỉ tiêu công lập ở các trường chỉ hơn 36.000 em (bao gồm các trường chuyên và trường năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh).

Đề Ngữ văn gần gũi, thí sinh có nhiều “đất” thể hiện

Sáng 6/6, hoàn thành môn đầu tiên trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh – môn Ngữ văn, đề thi năm nay được nhiều giáo viên, thí sinh đánh giá có nội dung gần gũi. Với chủ đề xuyên suốt về “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình”, đề thi đề cập đến tình cảm với biển, đảo quê hương, tình cảm gia đình, thí sinh có nhiều “đất” để thể hiện. Thí sinh Phương Anh (học sinh Trường Trung học Cơ sở Trường Thọ, thành phố Thủ Đức) cho biết, khá tự tin với bài làm của mình, bởi chủ đề của đề là về tình cảm gia đình, không những hay mà còn gần gũi, không khó để em có thể nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình.

vna_potal_thi_sinh_thanh_pho_ho_chi_minh_hoan_thanh_buoi_thi_dau_tien_ky_thi_lop_10_7416253.jpg
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) kết thúc giờ làm bài thi Ngữ văn. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Thông qua việc phân tích, cảm nhận về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm này, em liên hệ với thực tiễn cuộc sống để viết về ý nghĩa của tình cảm gia đình với bản thân mình, với mỗi người. Ở câu 1 Đọc hiểu và câu 2 Nghị luận xã hội nói về “nhịp trái tim” dành cho biển, đảo quê hương, về “Biết nghĩ bằng con tim”, Phương Anh cho biết làm bài cũng khá thuận lợi vì chủ đề hay và gần gũi. Đánh giá về đề thi, thầy giáo Võ Kim Bảo, giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, đề thi năm nay gần gũi với thí sinh, không đánh đố hay làm khó thí sinh, nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Chủ đề xuyên suốt đề thi “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình” vừa gần gũi vừa thiết thực, thí sinh có cơ hội thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình. Vì thế, kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh phản hồi làm bài thi tốt.

vna_potal_thi_sinh_thanh_pho_ho_chi_minh_hoan_thanh_buoi_thi_dau_tien_ky_thi_lop_10_7416249.jpg
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) phấn khởi vì hoàn thành khá tốt bài thi Ngữ văn. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Văn bản ở phần Đọc hiểu là các bài viết về Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” trên Báo Thanh Niên. Theo thầy Bảo, ngữ liệu phần này hay, có sự kết hợp cả văn xuôi và thơ. Các câu hỏi của phần này khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt.

Riêng câu Nghị luận xã hội (3 điểm) với yêu cầu trình bày suy nghĩ về lời khuyên “Biết nghĩ bằng con tim”, thầy Bảo cho rằng có tính phân hóa cao. Học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề với yêu cầu của đề, các em sẽ có nhiều ý tưởng để viết theo yêu cầu của đề; tuy nhiên, để đạt được điểm cao ở câu này (từ 2,5 điểm trở lên) thì không dễ. Phần này đòi hỏi học sinh phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải sâu sắc mới được đánh giá cao.

Ở câu Nghị luận văn học, đề cho thí sinh chọn 1 trong 2 đề. Trong đó, đề 1 yêu cầu thí sinh cảm nhận tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà và liên hệ để viết về ý nghĩa của tình cảm gia đình. Thầy Bảo đánh giá, đề vừa sức với thí sinh, yêu cầu rõ ràng, dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng. Những bài viết thể hiện rõ các kỹ năng như tạo luận điểm, lập luận, phân tích… sẽ đạt được điểm cao. Tuy nhiên, nếu không ôn tập kỹ và thường xuyên rèn luyện kỹ năng làm bài, có em sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lý nhân vật. Đề 2, ở phần Nghị luận văn học có tính mở và nhiều sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, học sinh có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kỹ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt buộc thí sinh phải học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay.

vna_potal_thi_sinh_thanh_pho_ho_chi_minh_hoan_thanh_buoi_thi_dau_tien_ky_thi_lop_10_7416248.jpg
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) hào hứng chia sẻ với bạn bè về đề Ngữ văn. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ chí Minh, trong buổi thi đầu tiên - môn Ngữ văn, sáng 6/6, có 98.418 thí sinh dự thi, vắng 263 em (thí sinh dự thi đạt 98,68%). Bên cạnh nhiều thí sinh đến điểm thi từ sớm, ghi nhận một số điểm thi ở Quận 1, Gò Vấp có một số thí sinh đến muộn so với giờ tập trung theo quy định. Các em nhanh chóng được giáo viên hướng dẫn lên phòng thi để kịp giờ làm bài. Tuy nhiên, tại một điểm thi ở Quận 3, một thí sinh đến trường muộn so với giờ làm bài theo quy định nên đã bỏ lỡ môn thi đầu tiên. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025 của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong hai ngày 6 và 7/6 với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; thí sinh đăng ký hệ chuyên hoặc tích hợp sẽ thi thêm môn tương ứng.

Bích Huệ - Thu Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm