Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Các chính sách Bảo hiểm y tế ảnh hưởng tới hàng triệu người được Quốc hội thảo luận

Theo chương trình Kỳ họp, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

vna_potal_quoc_hoi_thao_luan_ve_to_chuc_chinh_quyen_do_thi_tai_thanh_pho_hai_phong_va_thanh_lap_thanh_pho_hue_truc_thuoc_trung_uong_stand.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, như các vấn đề về thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị của người dân; việc thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi…

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của luật và đang được thực hiện thí điểm tại các địa phương khác thì nên được quy định trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều nhóm chính sách quan trọng về điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm, phạm vi được hưởng, đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế… Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá những sửa đổi, bổ sung này đã khắc phục những bất cập mang tính cấp bách, đảm bảo vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

vna_potal_quoc_hoi_thao_luan_ve_to_chuc_chinh_quyen_do_thi_tai_thanh_pho_hai_phong_va_thanh_lap_thanh_pho_hue_truc_thuoc_trung_uong_7679966.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến…

Cơ quan soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi lập đề nghị: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

vna_potal_quoc_hoi_thao_luan_ve_to_chuc_chinh_quyen_do_thi_tai_thanh_pho_hai_phong_va_thanh_lap_thanh_pho_hue_truc_thuoc_trung_uong_7679975.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế là cần thiết để bảo đảm người dân được tham gia Bảo hiểm Y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ Bảo hiểm Y tế . Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở và hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế .

Dự kiến, chiều 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm