Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản chiều 28/6, các đại biểu thống nhất tờ trình của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật và tên gọi này là phù hợp; đồng thời cho rằng, cần có đánh giá tổng thể về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, cũng như định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
* Đánh giá tổng thể về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản
Các ý kiến khẳng định, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội , là nguồn lực của quốc gia nên cần phải quy hoạch, thăm dò, khai thác bền vững, tiết kiệm, dự trữ, quản lý chặc chẽ vì nguồn lực này là hữu hạn.
Về phân loại nhóm khoán sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình phân loại thành 4 nhóm như dự thảo. Tuy nhiên đại biểu đề nghị, nghiên cứu loại khoáng sản nhóm 3 và 4, có những loại lẫn lộn nhau thuộc khoáng sản thông thường, vật liệu xây lấp nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào nhóm 3, nhóm 4. Điều này dẫn đến việc sử dụng khai thác, thuế tài nguyên chưa hợp lý cân bằng, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, ảnh hưởng đến dự trữ tài nguyên quốc gia, tạo khoảng trống pháp lý có thể sai phạm, thất thoát lãng phí. Đại biểu đề nghị, giải trình loại khoáng sản làm vật liệu thông thường nhóm 3 là loại khoáng sản nào, cũng như "đất hiếm" là khoáng sản nhóm nào ko thấy ghi vào Luật.
Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên, đại biểu đề nghị có quy định cụ thể rõ ràng hơn về quản lý Nhà nước trên địa bàn và được điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, tránh cơ chế xin cho.
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với việc giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1 và nhóm 2. Theo đại biểu, quy định này nhằm thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên quốc gia, đồng bộ với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản, phù hợp với chủ trương "mỗi việc giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm". Việc phân công cho nhiều cơ quan lập quy hoạch sẽ có những bất cập chồng chéo, mất thời gian về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) tán thành việc giao cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhóm 1; giao cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản với nhóm 2. Đại biểu cho rằng nên giữ quy định như vậy bởi không gây xáo trộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của Nhà nước về khoáng sản. Cùng với đó, quán triệt nghiêm túc theo yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch thì Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời là cơ quan cấp phép cho hoạt động khoáng sản. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế, không phải cứ khoáng sản là làm được vật liệu xây dựng, hay khoáng sản làm được khoáng chất công nghiệp thì đều đưa vào quy hoạch. Thực tế hiện nay, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng đang chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1, nhóm 2 theo các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và không có khó khăn, vướng mắc, bất cập gì. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh quy định như Luật hiện hành. Theo đó, Bộ Công thương chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1; Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhóm 2 để đảm bảo sự minh bạch, khách quan, khả thi trong thực hiện.
Trong trường hợp giữ nguyên như dự án Luật đang trình Quốc hội, đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị, cơ quan soạn thảo phải phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và có đánh giá tổng thể về việc tổ chức lập và quản lý thực hiện quy hoạch khoáng sản hiện nay làm cơ sở cho việc cần thiết phải điều chỉnh này.
* Định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước
Phân tích về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành, “các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản” sẽ không phải “đấu giá quyền khai thác”. Quy định như vậy là có lý, có tình, có trước, có sau nhất là trong điều kiện thăm dò khoáng sản hết sức khó khăn trước đây.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản cho thấy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Đại biểu cho biết, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn dù đã quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm. Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp; cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch phục vụ cho các hoạt động liên quan. Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung 1 điều về định giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo đại biểu, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải được quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển đất nước. Đại biểu đặt câu hỏi, các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã thăm dò xong, có giấy phép khai thác nhưng không tự triển khai các dự án khai thác được do nhiều nguyên nhân thì “có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác” không?
Khẳng định, có nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực, đại biểu Nguyễn Hữu Hậu cho rằng, doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên kết, liên doanh, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai khai thác là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác, chế biến khoảng sản. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn, như vậy, doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác. “Cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Đỗ Bình