Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân bổ hơn 2.500 tỷ đồng để cấp điện cho huyện Côn Đảo

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân bổ hơn 2.500 tỷ đồng để cấp điện cho huyện Côn Đảo

Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phân bổ hơn 2.500 tỷ đồng để cấp điện cho huyện Côn Đảo ảnh 1Nhà máy điện Diesel An Hội và Nhà máy điện Diesel An Hội mở rộng, gồm 9 tổ máy với tổng công suất đặt 11.820 kW, công suất khả dụng khoảng 9.600 kW tại Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn - TTXVN

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Trong đó, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 33.156,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Số vốn còn lại (hơn 30.568 tỷ đồng) dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng trình Quốc hội phân bổ 2.526,1 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 37.303 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình cao với dự thảo nghị quyết và cho rằng, hiện nay, nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh. Lượng du khách đến Côn Đảo đã vượt quy hoạch, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch gần như không đáp ứng, trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư. Việc cấp điện bằng lưới điện quốc gia sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn, lâu dài và giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia và các di tích lịch sử, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là dự án đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn của EVN để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, sớm triển khai dự án cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện.

Theo đại biểu, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp triển khai của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên.

Đại biểu đề nghị dự án triển khai đúng quy định về đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ để khuyến khích huyện Côn Đảo phát triển theo hướng kinh tế xanh. Đại biểu bày tỏ tin tưởng đây không chỉ là cơ hội để tạo bước đột phá thực sự cho huyện Côn Đảo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chỉ rõ, trong hơn 63.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề xuất, đã phân bổ hơn 33.000 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục. Đối với số vốn còn lại, do chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên theo quy định của Luật Đầu tư công, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhưng phải xác định được nguồn vốn.

Đại biểu cho rằng, nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng còn lại để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định; trong trường hợp cấp bách thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với chủ trương bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm