Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, các chủ thể tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) của tỉnh Kon Tum bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống còn chủ động ứng dụng công nghệ số để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm…

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 1Cùng sự phát triển của xã hội, thương mại điện tử đã giúp người bán và người tiêu dùng thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch. Ảnh: Văn Phương

Cùng sự phát triển của xã hội, thương mại điện tử đã giúp người bán và người tiêu dùng thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch. Đối với người bán, thương mại điện tử giúp tiếp cận người tiêu dùng, tạo kênh bán hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu. Người tiêu dùng thì có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, được lựa chọn hàng hóa và phương thức thanh toán.

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 2Một số sản phẩm cà phê DakMark được quảng bá, giao bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Văn Phương

Sớm hiểu rõ những lợi ích của thương mại điện tử, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP ở tỉnh Kon Tum có sản phẩm đạt 3 sao trở lên đã và đang đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, website riêng. Theo ông Đoàn Quốc Anh Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Kon Tum, HTX hiện có 6 sản phẩm đã đưa lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, HTX được tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn, doanh số bán ra tăng 200 - 300% so với trước.

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 3Sản xuất sản phẩm trà thảo dược tại Công ty TNHH thảo dược Tây Nguyên ở huyện Đăk Tô (Kon Tum). Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh:Dư Toán

Bên cạnh việc kết nối với các chủ thể có sản phẩm OCOP khác cùng tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, gian hàng “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP” của Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tây Nguyên Xanh sau một năm hoạt động đã có trên 11.500 lượt người tiêu dùng theo dõi. Theo Giám đốc Trịnh Tuấn Kiệt, công ty hiện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam. Từ khi tham gia Shopee, lượng đặt mua đạt bình quân 70 - 100 đơn hàng/tháng, doanh số cải thiện đáng kể.

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 4Sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có thể định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để thanh toán điện tử. Ảnh: Văn Phương

Để giúp các chủ thể đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum hỗ trợ đưa 1.000 sản phẩm của nông dân; 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên các sàn voso.vn, postmart.vn, kontumtrade.gov.vn…, trong đó có 157 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, Bưu điện Kon Tum còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thu thập thông tin đưa hàng nghìn sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Kon Tum ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 5Người nước ngoài tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP được chiết xuất từ sâm Ngọc Linh tại gian hàng “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP” của Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tây Nguyên Xanh. Ảnh: Văn Phương

Tham gia thương mại điện tử, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Kon Tum không chỉ có cơ hội quảng bá thông tin chính xác về sản phẩm tới người tiêu dùng mà còn tiết kiệm được chi phí điện, nước, thuê mặt bằng, nhân công, doanh thu cải thiện hơn nhiều so với trước đây.

Văn Phương

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm