Kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết của Công ty Formosa

Kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết của Công ty Formosa

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về kết quả kiểm tra, giám sát và việc khắc phục các vi phạm của Fomosa cho thấy: Công tác khắc phục thiếu sót trong bảo vệ môi trường (58 lỗi), chuyên đề khắc phục tối ưu bảo vệ môi trường (10 mục), hạng mục kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường thường trực tại xưởng (12 mục), quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, khí thải, nước thải… đã được Fomosa triển khai và đang từng bước hoàn thiện. Hiện tại, trong quy hoạch vận hành thử lò cao số 1, Fomosa đang quy hoạch xây dựng thêm 2 bể (dung tích 10.000 m3) tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa và 2 bể (dung tích mỗi bể 3.000 m3) tại xưởng xử lý nước thải sinh hoạt, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2018. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Quá trình theo dõi, giám sát việc khắc phục của Fomosa cho thấy: từ 22/7 đến nay, chất lượng nước thải tại các xưởng xử lý nước thải nằm trong giới hạn cho phép, một số thông số TSS, tổng Ni tơ có thời điểm xấp xỉ với giá trị giới hạn. 

Đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại: Công ty Fomosa đã xây dựng 16/16 kho lưu trữ chất thải. Hiện nay, lượng chất thải hàng ngày phát sinh tại Fomosa là từ 200 - 220 tấn các loại. Để xử lý lượng chất thải phát sinh này, Fomosa đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn và Công ty TNHH Môi trường Phú Hà. Đối với lượng bùn thải, tro bay, tro đáy, thạch cao phát sinh hàng ngày, Công ty đang lưu giữ trong kho, chưa tìm được đơn vị xử lý phù hợp. 

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Đối với khí thải, có 23 nguồn khí thải phát sinh với lưu lượng lớn 5.000 m3/giờ/nguồn thải, hiện nay mới phát sinh tại 4 nguồn khí thải. Công ty đã lắp đặt thiết bị quan trắc tại 9/23 ống khói. Công ty đang phối hợp với Tổng cục Môi trường để thực hiện kết nối truyền dẫn tín hiệu quan trắc tự động khí thải. Ngoài ra, Công ty cam kết thay đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô, thời gian hoàn thành trước 30/6/2019. 

Fomosa cũng cam kết nếu như nước xả thải không đạt tiêu chuẩn thì lò cao số 2 sẽ không thử máy và đưa vào vận hành. Ngày 7/5/2016, Formosa đã lắp đặt bể nuôi cá tại xưởng nước thải công nghiệp, dùng nước thải công nghiệp được pha loãng để nuôi cá nhằm tham khảo, đánh giá chất lượng nước thải. 

Đại diện Công ty TNHH Môi trường Phú Hà phát biểu. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN
 Đại diện Công ty TNHH Môi trường Phú Hà phát biểu. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng đề án và ra Nghị quyết về phát triển môi trường bền vững. Quan điểm của Hà Tĩnh là sự tồn tại của các dự án kinh tế sẽ phải gắn với phát triển bền vững có tính chiến lược, không chắp vá. 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đề nghị, những việc nằm trong cam kết (58 vi phạm đã khắc phục được 37, còn lại 21) cần khẩn trương nhưng không được làm theo kiểu đối phó. Việc khắc phục đều phải có công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Xung quanh đánh giá tác động môi trường 2008 là xả thải ra sông Quyền, ông Lê Đình Sơn cũng đề nghị các nhà khoa học, quản lý cần khảo sát, đánh giá phân tích những cái được, không được một cách khách quan, khoa học, cái nào bền vững hơn. Thực tiễn Fomosa đang tồn tại nhiều khó khăn về vấn đề chất thải, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án hướng dẫn Fomosa về đầu ra chất thải, đặc biệt là chất thải rắn. 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngà – TTXVN

Tham dự buổi làm việc, các thành viên tổ giám sát, các công ty tiếp nhận xử lý chất thải của Fomosa và các ban ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thảo luận các vấn đề xung quanh việc thực hiện nghiêm cam kết về môi trường của Công ty. 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Từ sau sự cố Fomosa, vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề chính trị, xã hội lớn được toàn xã hội quan tâm. Fomosa cần phải thay đổi để lấy lại được niềm tin của người dân Việt Nam. Việt Nam không chấp nhận hy sinh môi trường vì bất cứ sự phát triển nào. Bộ trưởng cũng khẳng định, sau Fomosa cần rút ra bài học, đó là môi trường cần phải là yếu tố được quan tâm đầu tư đầu tiên của bất kỳ dự án kinh tế nào. 

Về 21 vấn đề vi phạm còn lại chưa được khắc phục của Fomosa, trong đó có những vấn đề cấp bách, Bộ trưởng chỉ đạo, chỉ khi nào Fomosa giải quyết được thì dự án đó mới được vận hành, sản xuất, đặc biệt là những vấn đề cấp bách liên quan đến quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn và tiêu chuẩn quản lý đối với toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu, cần phải kiểm soát được chất lượng đầu ra của chất thải, toàn bộ dữ liệu này phải truyền về cơ quan quản lý. Bên cạnh xây dựng các bể tích trữ để ứng phó sự cố thì điều kiện tiên quyết là phải kiểm soát được nguồn nước thải đã đáp ứng được tiêu chuẩn chưa? 

Về việc đưa sông Quyền chuyển từ dự trữ nước thải sinh hoạt sang nước thải công nghiệp thay vì đổ ra biển, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần huy động các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Ở đâu có lợi hơn cho môi trường thì ở đấy là phương án được lựa chọn. 

Về vấn đề chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, công ty đảm nhận xử lý chất thải cần phải báo cáo rõ với Bộ trưởng về năng lực xử lý. Bộ giao Tổng cục Môi trường lựa chọn, giới thiệu những nhà thầu có năng lực để thực hiện vấn đề xử lý chất thải cho địa phương. Nếu công suất, khả năng của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ yêu cầu Fomosa đầu tư, quy hoạch một khu riêng để xử lý môi trường. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh./. 


 

Có thể bạn quan tâm