Trà Bồng (Quảng Ngãi) là huyện miền núi với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Nhờ sự chung tay, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện mà diện mạo nơi đây không ngừng đổi thay từng ngày…
Trà Bồng là một trong 74 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào Cor chiếm trên 60%. Từ một vùng đất đầy khó khăn, Trà Bồng hôm nay đã không ngừng khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là cuộc sống của đồng bào Cor.
Kinh tế huyện Trà Bồng những năm qua tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo đúng định hướng, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nay tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Sản phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và chú trọng đến chất lượng.
Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây quế, Trà Bồng là một trong 4 vùng trồng quế lớn nhất của cả nước với tổng diện tích hơn 5.000 ha, sản lượng đạt 1.450 tấn (năm 2023). Từ loại cây trồng bản địa, quế Trà Bồng đã được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận là đặc sản quà tặng Châu Á, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhờ trồng và phát triển quế, nhiều hộ đồng bào Cor đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Không chỉ có cây quế, Trà Bồng còn chú trọng phát triển kinh tế rừng, đồng thời triển khai hàng trăm mô hình khuyến nông, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đang quản lý bảo vệ 45.544 ha rừng, trong đó có hơn 21.000 ha rừng tự nhiên. Người dân chuyển dần từ hình thức chăn thả sang mô hình nuôi bán thâm canh, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại…
Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2024, Trà Bồng huy động được trên 920 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị từng bước được củng cố; bộ mặt nông thôn mới của huyện ngày một khang trang, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững. Toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đường giao thông từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa; 92,4% tuyến đường từ xã về thôn được bê tông hóa; gần 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% phòng học được xây dựng kiên cố; 89% trạm y tế có bác sĩ... Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 20,19%.
Phạm Cường