Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối)

Người dân xã Ngọc Chiến chuẩn bị vật liệu để phục dựng cọn nước (guồng nước) nhằm phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Người dân xã Ngọc Chiến chuẩn bị vật liệu để phục dựng cọn nước (guồng nước) nhằm phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Với việc ban hành những chủ trương, nghị quyết sát thực tế, hợp với lòng dân cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) đang ngày càng phát triển, đi lên trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.

Bài cuối - Biến tiềm năng thành thế mạnh

Cuộc sống khởi sắc

Với độ che phủ rừng 87% nên xã Ngọc Chiến được biết đến là nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Không những thế, đây còn là nơi có nguồn nước nóng tự nhiên dồi dào để phục vụ việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch từ các nơi khác đến còn ít vì không có điểm nhấn.

Nắm bắt được điều đó, Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đưa chủ trương phát triển du lịch vào Nghị quyết và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người dân có cuộc sống ấm no, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối) ảnh 1Diện mạo xã Ngọc Chiến đổi thay từng ngày. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Trước đây, khi đến xã Ngọc Chiến tham quan du lịch, du khách muốn tìm một nơi để nghỉ ngơi, ăn uống là điều rất khó khăn, do người dân ở đây vốn chỉ quen với việc khách du lịch đến tắm suối nước nóng rồi về luôn trong ngày. Nhưng hiện nay, với định hướng của chính quyền địa phương, tại đây đã xuất hiện những cơ sở lưu trú tổ chức theo hình thức du lịch xanh, sinh sống cùng với người dân (homestay) để phục vụ du khách.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, Quản lý Homestay Ngọc Chiến Pearl chia sẻ, thời gian qua cơ sở lưu trú của anh đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Khi đến đây, du khách rất thích thú vì được gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, họ còn được thưởng thức những món ăn dân tộc, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây nên khách du lịch rất thích thú.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối) ảnh 2Một mô hình làm homestay để phục vụ khách du lịch tại xã Ngọc Chiến. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Trong quá trình phát triển du lịch, nhằm tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đã ban hành chủ trương khôi phục, dựng lại những cọn nước (guồng nước) dọc các bờ suối. Bởi cọn nước từ bao đời nay đã gắn bó với đồng bào người Thái ở xã Ngọc Chiến trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ cuối năm 2020 đến nay, người dân ở xã Ngọc Chiến đã làm được gần 40 cọn nước. Những cọn nước này đều được bố trí nằm dọc con suối Chiến. Vì vậy, khi du khách đến đây sẽ được “mục sở thị” một khung cảnh rất ấn tượng, độc đáo.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối) ảnh 3Người dân xã Ngọc Chiến chuẩn bị vật liệu để phục dựng cọn nước (guồng nước) nhằm phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Ông Lò Văn Khụt, bản Mường Chiến 2 cho biết, mới đây khi có nghị quyết của Đảng ủy xã về việc khôi phục các cọn nước, ông đã cùng một số bà con đi học hỏi, tham quan cách làm ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái để về thực hiện. Đến nay, bước đầu đã thu hút khách du lịch và mang lại kinh tế cho gia đình. Trong thời gian tới, gia đình ông và các hộ dân khác sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các cọn nước lên khoảng 200 cái.

Xã Ngọc Chiến từ xưa còn nổi tiếng với những cánh đồng trồng giống lúa nếp tan thơm, dẻo. Nhưng qua thời gian, diện tích trồng giống lúa này ngày càng ít đi vì năng suất thấp. Hiện nay, chính quyền và người dân đã xác định sản phẩm nếp tan là một đặc sản địa phương. Vì vậy, Nghị quyết của Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đề ra chủ trương giao cho các tổ chức mặt trận, đoàn thể vận động, tuyên truyền nhân dân quy hoạch và phát triển 300ha nếp tan. Bởi loại nếp này có giá trị kinh tế cao hơn các loại lúa khác nhiều lần.

Ông Lò Văn Pháng, bản Đông Xuông cho hay, lúa nếp tan có thể làm cốm, đồ xôi, hoặc để gói bánh chưng. Khi phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tết mũi nhọn của xã thì giống nếp này lại càng có giá trị hơn vì nhu cầu của du khách rất lớn. Hiện nay, giá trung bình của giống nếp này khoảng 60.000/kg, gấp 4 lần so với giống nếp khác. Vì vậy, việc khôi phục giống nếp tan sẽ giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối) ảnh 4Một dãy cọn nước (guồng nước) tại xã Ngọc Chiến để phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Với những nghị quyết sát với cuộc sống, đi vào lòng dân, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Ngọc Chiến đã từng bước được phát huy. Nhờ đó, xã Ngọc Chiến ngày càng phát triển, vươn lên, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, ổn định hơn.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến thông tin, đến nay lương thực bình quân của người dân trong xã đạt hơn 660kg/người/năm; tổng đàn vật nuôi hơn 60.000 con. Đặc biệt, Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, trong 5 năm (2015-2020) thu nhập từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm giảm được 8,87% hộ nghèo. Hiện xã còn 16% hộ nghèo; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Phát huy vai trò tiên phong của người đứng đầu

Nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Chiến đã triển khai thực hiện 37 chủ trương gắn với Nghị quyết của Đảng ủy xã. Thông qua những chủ trương sát thực tế, hợp lòng dân đã tạo ra sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân.

Theo báo cáo của Đảng ủy xã Ngọc Chiến, đến thời điểm này đã hoàn thành 22/37 chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Những chủ trương này đã đi vào đời sống, mang lại sự thay đổi rõ rệt cho cuộc sống người dân. Điều này đã cho thấy vai trò tiên phong, sát thực tế, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân (Bài cuối) ảnh 5Người dân xã Ngọc Chiến tự nguyện đóng góp ngày công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ, tất cả các chủ trương đều thực hiện trên cơ sở hướng về nhân dân, lấy nhân dân làm chủ, do người dân thực hiện. Đến nay, với việc thực hiện 22 chủ trương thì tổng kinh phí nhân dân đóng góp bằng vật chất, sức lao động đã lên đến trên 100 tỷ đồng.

Để việc đề ra các chủ trương sát thực tế và được nhân dân ủng hộ thì điều then chốt của việc thành công là việc thành lập 15 tổ công tác ngày thứ 7 về với nhân dân. Các tổ công tác này do các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã làm tổ trưởng. Phương châm hoạt động tổ công tác dân vận là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Không chỉ đến với nhân dân vào ngày thứ Bảy mà ngoài giờ làm việc hàng ngày tất cả tổ công tác lại cùng với bà con thực hiện từng chủ trương một cho đến khi hoàn thành theo kế hoạch Đảng bộ xã đã đưa ra.

Từ những kết quả tích cực ở xã Ngọc Chiến có thể thấy, để chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống thì vai trò của người đứng cấp ủy, chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính chất quyết định. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời đưa ra các chủ trương phải lấy người dân làm chủ thể, lấy người dân là người trực tiếp tổ chức thực hiện và chính họ sẽ hưởng thụ thành quả. Qua đó, với những việc làm thiết thực, gắn bó trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của nhân dân thì họ sẽ nghe và tin theo.

Đánh giá về điều này, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La Nguyễn Văn Bắc cho biết, để các nghị quyết của xã Ngọc Chiến đi vào đời sống nhân dân một cách thực chất và nhanh chóng như vậy vai trò của người Bí thư Đảng ủy rất quan trọng. Đó là người Bí thư Đảng ủy phải gần và sát nhân dân, khi triển khai nghị quyết đồng phải xác định mình là người tổ chức, không chỉ đạo chung chung mang tính chất hình thức. Đồng thời, trong lối sống, cách làm người Bí thư Đảng ủy phải gương mẫu để người dân có đánh giá và chấp hành các chủ trương, nghị quyết đề ra. Ngoài ra, việc triển khai nghị quyết đó không chỉ do người thực hiện mà cán bộ, công chức trên địa bàn xã phải tiên phong, đi đầu.

Với những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Chiến đang là mô hình điểm để các địa phương khác học hỏi, nhân rộng. Điều này, cũng được chính quyền huyện Mường La đánh giá cao.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La cho biết thêm, hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Chiến đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Người dân tự nguyện tham gia từ việc hiến đất, ngày công lao động; sẵn sàng thu xếp nhà cửa, sắp xếp công trình kiến trúc để đảm bảo mỹ quan, tiêu chí phát triển du lịch. Chính vì vậy, trong thời gian tới Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tổ chức cho các địa phương khác tìm hiểu thực tế để nhân rộng cách làm này.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm