Xuất thân phần lớn là nông dân và công nhân, doanh nhân Yên Bái khởi nghiệp thành công từ việc nâng tầm những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương trở thành hàng hóa. Họ là những người tiên phong, mở đường đưa sản phẩm chất lượng cao của tỉnh Yên Bái đến thị trường trong và ngoài nước.
Từ nông dân trở thành doanh nhân
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có gần 3.000 doanh nghiệp và 620 hợp tác xã, với tổng số vốn đăng ký khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 45.000 lao động địa phương. Số doanh nghiệp này đã đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm trên 1.200 tỷ đồng, chiếm trên 60% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh.
Phần lớn làm chủ những doanh nghiệp này là đội ngũ doanh nhân xuất thân từ những người nông dân, công nhân đã từng trực tiếp lao động sản xuất. Tuy nhiên, họ đều có điểm chung rất cần cù, chịu khó học hỏi, sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh, luôn biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đặc biệt, họ đều có khát vọng làm giàu từ việc biến những sản phẩm thuần túy, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ trở thành hàng hóa, chất lượng ngày càng được khẳng định trên thị trường.
Không ít người đã làm nên kỳ tích, tiêu biểu như doanh nhân Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty CP Yên Thành đóng tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, xuất phát từ công nhân lâm nghiệp. Sau 15 năm thành lập doanh nghiệp riêng, đến nay công ty của ông Dũng đã có quy mô trị giá hàng trăm tỷ đồng, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 10.000 m3 sản phẩm gỗ và 2.000 tấn măng tre các loại, cho doanh thu đạt từ 130 đến 150 tỷ đồng mỗi năm, tất cả đều được xuất khẩu trực tiếp ra thị trường nước ngoài.
Hành trình từ người nông dân trở thành giám đốc một doanh nghiệp là cả một quá trình gian nan, vất vả nhưng cũng đầy tự hào. Hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái được thành lập trên quy mô sản xuất kinh doanh từ hộ gia đình hoặc tổ hợp tác, sau một thời gian dài tích lũy về vốn, công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm quản trị... các chủ hộ đứng ra thành lập doanh nghiệp. Tuy chưa quản trị thật sự bài bản nhưng những doanh nhân này rất linh hoạt, sáng tạo, thích ứng nhanh với sự thay đổi bên ngoài.
Điển hình như nông dân Phạm Văn Chiến, là một trong số ít người đầu tiên áp dụng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ông Chiến đã cùng 60 hộ dân xã Đông An, huyện Văn Yên thành lập Hợp tác xã sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn do ông làm giám đốc. Hoạt động theo phương thức, hợp tác xã chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thô cho xã viên theo giá thị trường. Về phần mình, xã viên góp vốn bằng đất, chuyên tâm vào thâm canh, chăm sóc theo hướng dẫn của hợp tác xã.
Doanh nhân Phạm Văn Chiến cho biết, nhờ phương thức này, hợp tác xã đã duy trì trồng trên 18 ha cây cà gai leo, cho sản lượng ổn định trên 80 tấn nguyên liệu mỗi năm. Không dừng lại việc trồng và sơ chế thô cây cà gai leo, sau nhiều nỗ lực, đến nay hợp tác xã đã chế biến sâu thành sản phẩm cao, trà và bột cà gai leo mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động và cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Nhận xét về đội ngũ doanh nhân của tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân cho sự phát triển của tỉnh. Đây là lực lượng tiên phong tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh. Những năm trở lại đây, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng đội ngũ doanh nhân Yên Bái vẫn đứng vững, số doanh nghiệp được thành lập mới ngày càng tăng, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nhân tiêu biểu trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Nâng tầm sản vật
Yên Bái có nhiều lợi thế phát triển những sản phẩm nông sản đặc sản mang tính vùng, miền riêng có. Do đó, chiếm gần 90% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hiện đang sản xuất khoảng gần 1.000 sản phẩm hàng hóa; trong đó, có 140 sản phẩm được đánh giá phân hạng, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).
Các sản phẩm hàng hóa của Yên Bái có bước tiến nhanh về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, từng bước đảm bảo các quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của Yên Bái đều được thực hiện theo quy trình sản xuất sạch hơn, theo tiêu chuẩn hữu cơ và bảo vệ môi trường.
Từ những quả sơn tra chua chát, kết hợp với một số thảo dược sẵn có tại địa phương, Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, huyện Văn Chấn đã chế biến thành các sản phẩm trà táo mèo Shan Thịnh, dầu massage Quốc Kỳ, xịt massage Quốc Kỳ nổi tiếng, được tiêu thụ tại 12 quốc gia trên thế giới. Dây chuyền sản xuất được đảm bảo theo các tiêu chuẩn: GMP (Thực hành sản xuất tốt), GLP (Thực hành phòng kiểm nghiệm tốt), GSP (Thực hành bảo quản tốt).
Doanh nhân Bùi Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia cho biết, với mục tiêu sản phẩm sạch ngay từ khâu nguyên liệu ban đầu, công ty đang triển khai mở rộng các vùng trồng dược liệu sạch, phù hợp với tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu” của tổ chức Y tế thế giới GACP - WHO, nhằm phát huy tinh hoa của cây thảo dược, tạo ra dòng sản phẩm an toàn, có tính năng vượt trội trong việc hỗ trợ và điều trị bệnh.
Thương hiệu của nhiều sản phẩm nông sản Yên Bái đã được khẳng định, nổi tiếng thị trường trong nước và quốc tế, một số sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, mang tầm thương hiệu quốc gia, như: trà Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên Trấn Yên; tinh dầu quế Văn Yên; miến đao Giới Phiên; măng tre Bát độ Trấn Yên; cá sấy hồ Thác Bà; bột sắn Văn Yên; lạc đỏ, khoai sọ Lục Yên; mật ong, rượu thóc Mù Cang Chải...
Tại huyện Văn Yên, “thủ phủ” của cây quế Yên Bái và cả nước, ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, nhờ các doanh nghiệp liên tục đầu tư, đổi mới công nghệ, các sản phẩm được chế biến từ quế ngày càng đa dạng, chất lượng cao. Ngoài tinh dầu quế, hiện các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được sản xuất từ cây quế. Quế từ cây xóa đói giảm nghèo, nay trở thành cây làm giàu trên địa bàn huyện.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương cho phát triển kinh tế, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực hỗ trợ, tạo cơ chế và chính sách khuyến khích xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, thực chất là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tương xứng với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.
Theo ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đội ngũ doanh nhân Yên Bái cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm cho mình và quê hương. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội, góp phần chung tay xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Tiến Khánh