Khánh Hòa chủ động kiểm soát bệnh sốt rét

Khánh Hòa chủ động kiểm soát bệnh sốt rét

Khánh Hòa là một trong hai địa phương ghi nhận số ca mắc sốt rét nhiều nhất của cả nước thời gian gần đây. Tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống sốt rét và đến nay đã cơ bản kiểm soát tình hình gia tăng số ca sốt rét.

Chủ động phát hiện bệnh trong cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, số ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh tăng cao từ tháng 6. Đến ngày 30/8, toàn tỉnh ghi nhận hơn 100 ca, tập trung chủ yếu ở xã Khánh Thượng 53 ca và xã Sơn Thái 14 ca…

Khánh Hòa chủ động kiểm soát bệnh sốt rét ảnh 1Cán bộ y tế tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm để phát hiện các ca mắc sốt rét tại xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: TTXVN phát

Trong số các ca mắc tại xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh đầu năm 2023, 70% ca bệnh tập trung tại thôn Tà Gộc, 25% tại thôn Suối Cát. Các ca bệnh tập trung ở 2 nhóm từ 15 tuổi trở lên (55%) và từ 5 đến dưới 15 tuổi (45%). Bệnh nhân sốt rét là nữ chiếm 55% và nam chiếm 45%, tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc Raglai, Ê đê. Những người mắc bệnh chủ yếu làm việc ở rừng, rẫy; sinh viên và học sinh chiếm 30%... 95% trường hợp có tiền sử dịch tễ liên quan đến rừng/rẫy và chỉ có một trường hợp ghi nhận ở nhà trong 14 ngày trước.

Xã Sơn Thái là địa phương có ca mắc sốt rét lớn thứ hai của huyện Khánh Vĩnh. Ông Pi Năng Cội, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết, xã có tổng diện tích tự nhiên trên 6.195 ha, dân số trên 2.400 người, phân bổ ở 2 thôn, với hơn 7 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Người dân chủ yếu dựa vào nghề làm nương, rẫy để sinh sống. Trong tháng 6/2023, xã không có ca mắc. Từ tháng 7 đến cuối tháng 8, xã có 14 ca mắc và đang được tập trung điều trị. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện lấy máu, test chẩn đoán nhanh xét nghiệm cho tất cả các trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ. Các đơn vị chức năng theo dõi việc bệnh nhân uống thuốc hàng ngày và giám sát địa bàn để phát hiện chủ động các ca bệnh tại cộng đồng, nhất là nhóm có nguy cơ cao như dân đi rừng, ngủ rẫy.

Tỉnh Khánh Hòa đã và đang tập trung các giải pháp tăng cường phòng, chống sốt rét. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức điều tra dịch tễ chủ động nhằm phát hiện ca bệnh tại huyện Khánh Vĩnh với tổng số hơn 2.000 mẫu máu được lấy để điều tra. Trung tâm duy trì thường xuyên công tác điều tra, giám sát véc tơ; cấp phát hơn 1.370 chiếc mùng tẩm hóa chất và võng màn tại các huyện trọng điểm sốt rét; cấp trên 3.500 võng màn cho người đi rừng ngủ rẫy.

Cùng với đó, nhằm kịp thời truy vết, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh tại cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương; Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn. Các đơn vị này đã cử một số đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chẩn đoán điều trị ca bệnh; điều tra côn trùng để hỗ trợ tỉnh thực hiện phòng, chống sốt rét có hiệu quả.

Từng bước kiểm soát, khống chế gia tăng ca mắc sốt rét

Từ đầu tháng 7/2023, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đã cử đoàn chuyên gia cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh thực hiện đánh giá chi tiết tình hình sốt rét, nhất là xã Khánh Thượng, Sơn Thái thuộc huyện Khánh Vĩnh. Đoàn đã xét nghiệm sàng lọc toàn bộ các đối tượng nguy cơ cao; chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý bệnh nhân sốt rét toàn diện; điều tra định loài véc tơ sốt rét, tỷ lệ và độ bao phủ màn, nằm màn trong dân; đánh giá các hoạt động phòng chống sốt rét (PCSR) tại địa phương. Từ đó, đoàn chuyên gia đề xuất các giải pháp phòng, chống sốt rét thích hợp, từng bước kiểm soát, khống chế gia tăng ca mắc sốt rét.

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa Nghiên cứu Điều trị của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cho biết: Qua sàng lọc, truy vết, đoàn đã lấy máu xét nghiệm và tiến hành điều trị sớm, giám sát, quản lý từng ca bệnh hàng ngày. 100% số ca mắc sốt rét được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc sốt rét đặc hiệu, theo phác đồ của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân hồi phục rất tốt. Viện đã và đang tiếp tục đánh giá hiệu lực các loại thuốc sốt rét hiện dùng trong điều trị sốt rét do các loài P.falciparum, P.vivax và P.malariae để xem xét tình trạng kháng thuốc, có phương án kế hoạch thay đổi chính sách thuốc nếu có trong tương lai.

Tình hình sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh, nhất là xã Khánh Thượng đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và ngành Y tế Khánh Hòa vẫn kiểm soát tốt và triển khai các biện pháp tốt nhất để giảm gánh nặng bệnh tật; thúc đẩy nhanh tiến trình loại trừ sốt rét ở đây. Viện sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với địa phương để giám sát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ca bệnh tốt nhất..

Ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để cắt sự lây lan của bệnh, người dân địa phương, đặc biệt nhóm đi rừng, ngủ rẫy phải tuân thủ ngủ màn có tẩm hóa chất; phối hợp với các lực lượng y tế tham gia lấy mẫu để làm xét nghiệm. Đây là những các ca mắc chủ yếu là ẩn, không có triệu chứng...

Công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn nhất định, một phần do đối tượng đi rừng, ngủ rẫy còn nhiều và khó kiểm soát, truy vết. Ý thức phòng bệnh ở một số nhóm trong cộng đồng còn thấp, có tư tưởng chủ quan trong phòng bệnh. Bên cạnh giải pháp tích cực của ngành Y tế, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là duy trì ngủ trong màn tẩm hóa chất để để tránh bị muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị…

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm