Khai thác tiềm năng tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Bài 1)

Khai thác tiềm năng tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Bài 1)
Bài 1: “Cú hích” từ khu kinh tế cửa khẩu Long An  
Với vai trò là trục hành lang kinh tế, đầu mối giao thương của tiểu vùng Đồng Tháp Mười kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu kinh tế cửa khẩu Long An đóng vai trò hết sức quan trọng và đã được Chính phủ, chính quyền tỉnh Long An quan tâm tập trung đầu tư phát triển trong những năm qua.
Toàn cảnh Thị xã Kiến Tường - một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh Long An. Đây cũng là đô thị phát triển thương mại – dịch vụ, gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu và là đầu mối giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Ảnh: An Hiếu
Toàn cảnh Thị xã Kiến Tường - một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh Long An. Đây cũng là đô thị phát triển thương mại – dịch vụ, gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu và là đầu mối giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Ảnh: An Hiếu

Đến nay khu vực kinh tế cửa khẩu đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tình hình kinh tế - xã hội thay đổi rõ nét, đời sống người dân ngày được nâng lên. Trong tương lai, việc quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho khu vực này là hết sức cần thiết, đặc biệt trước bối cảnh 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang đang thực hiện liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
 
Những bước đi ban đầu
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 15/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An đến năm 2030 với tổng diện tích 13.080 ha đã tạo sức bật và thay đổi rõ nét bộ mặt kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã khu vực biên giới. Đặc biệt thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), một đô thị trung tâm tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong những năm qua.
Toàn cảnh Thị xã Kiến Tường - một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh Long An. Đây cũng là đô thị phát triển thương mại – dịch vụ, gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu và là đầu mối giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Ảnh: An Hiếu
Toàn cảnh Thị xã Kiến Tường - một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh Long An. Đây cũng là đô thị phát triển thương mại – dịch vụ, gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu và là đầu mối giao thông quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Ảnh: An Hiếu
 
“Từ khi có Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Kiến Tường đã được quan tâm hơn nữa trong triển khai nhiều chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Chẳng hạn như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TXU ngày 31/5/2017 của Thị ủy Kiến Tường về phát triển đô thị đến năm 2020 đã triển khai nhiều dự án công trình trọng điểm và cho đến nay thị xã đã đạt 54/59 tiêu chí của đô thị loại III”,
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường La Văn Vân cho biết.
 
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường, tình hình kinh tế của thị xã ngày càng phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành thương mại – dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, chiếm 61%. Riêng khu vực nông nghiệp, tỷ trọng giảm xuống còn 39% và được tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả. Chính vì vậy, những năm gần đây, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 4,87% trên tổng hơn 11.700 hộ dân.

Bên cạnh đó, diện mạo thị xã Kiến Tường ngày hôm nay thực sự đã thay đổi nhanh chóng khi nhiều công trình quan trọng phát triển đô thị như: bờ kè thị xã, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Long An, trung tâm thương mại – dịch vụ Kiến Tường, dự án khu đô thị sân bay… đã được triển khai.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thị xã tương đối hoàn chỉnh với hệ thống giao thông trong nội thị, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng và cây xanh trên một số tuyến đường chính được đầu tư đồng bộ.
 
“Kể từ khi thị xã được thành lập vào năm 2013, tách ra từ huyện Mộc Hóa, tôi không thể tin được sự thay đổi bộ mặt đô thị lại nhanh chóng đến như thế. Vui mừng hơn là đời sống người dân ngày càng được đáp ứng tốt vì hình thành trung tâm thương mại, đường sá ngày khang trang, sạch đẹp. Nhưng điều quan trọng nhất là công ăn việc làm được tạo ra nhiều hơn nên cuộc sống người dân ngày càng ổn định”, bà Trần Thị Thu, người dân sinh sống ở thị xã Kiến Tường nói.
 
Điều mà bà Thu vui mừng xuất phát chính từ việc Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 366/ QĐ-UBND ngày 24/01/2017 để phát triển khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp (giai đoạn 1) nằm trong khu kinh tế cửa khẩu có tổng diện tích 168,5 ha.
Toàn cảnh nhà máy, cơ sở hạ tầng của công ty TNHH Tainan Enterprises (Đài Loan) tại khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
Toàn cảnh nhà máy, cơ sở hạ tầng của công ty TNHH Tainan Enterprises (Đài Loan) tại khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
  
Theo ông Trương Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An, trong thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài quan tâm tìm hiểu và thu hút một số dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Có thể dẫn chứng Công ty TNHH Tainan Enterprises Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư ngành dệt, nhuộm) với quy mô diện tích 16,9 ha, tổng vốn đầu tư của dự án 65 triệu USD đã hoạt động chính thức trong tháng 5/2017.
 
Theo ông Tsai Chen Chih, Giám đốc Tài chính Công ty Tainan Enterprises Việt Nam, hiện tại công ty này đang triển khai hoạt động giai đoạn đầu với nhu cầu lao động khoảng 1.800 công nhân. Trong tương lai khi đầu tư toàn bộ nhà máy thì nhu cầu sẽ cần tới khoảng 10.000 lao động.

“Hiện chúng tôi đang có 800 lao động làm việc là người địa phương. Để đáp ứng nhu cầu lao động, công ty đã liên kết với Trường Trung cấp dạy nghề Đồng Tháp Mười để đào tạo nghề may mặc”, ông Tsai Chen Chih cho hay.
Công đoạn kiểm tra sản phẩm may mặc xuất khẩu tại công ty TNHH Tainan Enterprises, khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
Công đoạn kiểm tra sản phẩm may mặc xuất khẩu tại công ty TNHH Tainan Enterprises, khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
 
Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Trong giai đoạn hiện nay, 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang đang gấp rút hoàn thành đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đề án này sẽ có 6 chương trình liên kết; trong đó, có 2 chương trình nổi bật gồm: cải tiến chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng; phát triển du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười.

Do đó, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc Đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An đã và đang tập trung nguồn lực, tạo chính sách đột phá để hiện thực hóa chủ trương phát triển khu kinh tế cửa khẩu sẽ tạo ra “lực đẩy” mạnh mẽ thực hiện các chương trình liên kết nói trên.
  
Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ trọng của ngành trồng trọt của tiểu vùng vẫn còn cao, sự chuyển dịch trong nội bộ ngành nông nghiệp của 3 tỉnh của tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói chung chậm hơn trung bình chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, sự chuyển dịch của nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thương mại cũng chậm làm cho năng suất lao động thấp (ngoại trừ tỉnh Long An).
Khu du lịch làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là một vùng đất ngập nước hoang sơ, có diện tích hàng trăm ha với những thắng cảnh thiên nhiên đa dạng, phong phú của vùng Đồng Tháp Mười gồm: rừng tràm, sen, súng, lục bình… Đây là một trong những khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đông khách đến tham quan, du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan rừng tràm ngập nước tại khu du lịch làng nổi Tân Lập. Ảnh: An Hiếu
Khu du lịch làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là một vùng đất ngập nước hoang sơ, có diện tích hàng trăm ha với những thắng cảnh thiên nhiên đa dạng, phong phú của vùng Đồng Tháp Mười gồm: rừng tràm, sen, súng, lục bình… Đây là một trong những khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đông khách đến tham quan, du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan rừng tràm ngập nước tại khu du lịch làng nổi Tân Lập. Ảnh: An Hiếu
  
Nguyên nhân là do công trình hậu cần phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp chưa đủ đáp ứng. Nguồn nhân lực nông thôn còn hạn chế nên chưa đủ gắn kết sản xuất với chế biến, thương mại, chưa thúc đẩy nâng cấp, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp từ sản xuất trình độ thấp lên trình độ cao, từ sản xuất nông sản thô sang công nghiệp và dịch vụ nông sản chế biến có thương hiệu.
 
Hay đối với lĩnh vực du lịch của tiểu vùng dù có sự phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở tỉnh Đồng Tháp và chưa đúng nghĩa của du lịch sinh thái, sản phẩm đơn điệu. Đặc biệt là nối kết tuyến du lịch trong nội tiểu vùng và liên tiểu vùng vẫn chưa phát triển.
 
Do vậy, khu kinh tế cửa khẩu này đóng vai trò là một “hạt nhân kinh tế” để giải quyết những vấn đề nói trên bằng việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hợp tác giao thương giữa Việt Nam - Campuchia.
 
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An cũng đang phải đối mặt với nhiều “lực cản”; trong đó lực cản về hạ tầng giao thông đang là một trở ngại lớn nhất để thúc đẩy khu vực kinh tế cửa khẩu phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tương lai./.
  Anh Đức
  Bài 2: Tháo những “nút thắt”
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm