Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về việc thực hiện cấp bách các giải pháp chống khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc (IUU). Ảnh: Phạm Kha – TTXVN |
Ông Dũng yêu cầu: “Phải buộc 100% chủ tàu thuyền, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm lãnh hải nước khác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm đề cương tuyên truyền cụ thể, có bản đồ, sơ đồ vùng biển cung cấp cho từng hộ dân, từng tàu thuyền; từng tuyên truyền viên cấp xã, huyện xuống từng hộ dân phải nắm rõ nội dung phổ biến về những quy định khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước khác là như thế nào và sẽ chịu xử lý ra sao". Theo ông Hồ Quốc Dũng, hộ ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng phải nắm được việc khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc là gây tổn hại đến nền kinh tế, uy tín, danh dự của cả quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao cho Công an tỉnh Bình Định, Bộ đội Biên phòng tỉnh củng cố hồ sơ xử lý các chủ tàu, thuyền trưởng đã vi phạm; đưa chủ tàu, thuyền trưởng ra kiểm điểm trước dân; tước giấy phép hành nghề. Đồng thời, xử lý các tàu thuyền không đủ điều kiện. Đối với các tàu thuyền không có đủ giấy phép khai thác hợp pháp thì xử lý kiên quyết. Trước mắt tỉnh hạn chế tàu thuyền đánh bắt trái phép gần bờ ra, vào các cảng cá cùng với thực hiện hỗ trợ đối với các hộ gia đình ngư dân chuyển đổi ngành nghề, không khai thác bằng các ngành nghề trái phép. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có trách nhiệm xây dựng quy chế về cải hoán, mua – bán, đóng mới, thuê tàu; quy chế ra – vào các cảng cá; phối hợp với các lực lượng và địa phương kiểm soát tàu cá. "Các cảng cá phải chỉnh trang lại vệ sinh môi trường, cách thức quản lý ngay từ bây giờ. Nếu cảng cá nào để xảy ra vi phạm thì cách chức giám đốc cảng cá đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cảnh báo. Riêng về việc nâng cấp các thiết bị giám sát hành trình, đối với trạm bờ sử dụng ngân sách của tỉnh. Với máy định vị VX1700 sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có giải pháp thực hiện đối với tất cả các tàu thuyền; có thể gắn với việc thực hiện quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để ràng buộc chủ tàu. Đồng thời, sở cũng phải có đề án trình UBND tỉnh để triển khai Luật Thủy sản. Mới đây, Đoàn Công tác của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu đã đến kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về chống khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc – IUU tại Bình Định. Tại đây, đoàn đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc thực hiện những quy định không khái thác trái phép, không khai báo nguồn gốc thủy sản. Vào tháng 1/2019, đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu – EC sẽ tiếp tục kiểm tra tại tỉnh Bình Định về vấn đề này trước khi quyết định có rút "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản Việt Nam hay không. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp về chống khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc – IUU. Toàn tỉnh đã tổ chức 23 lớp tuyên truyền cho 1.600 chủ tàu, thuyền trưởng; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền; thành lập văn phòng kiểm tra, giám sát, kiểm soát được gần 10.000 lượt tàu xuất bến.
Phạm Kha