Tuyến đường tỉnh lộ 114 nhiều đoạn bị phá hủy do lũ. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN |
Đêm 9, rạng sáng 10/10, trên địa bàn xã Mường Bang có mưa rất to và đã xảy ra lũ quét, nhiều bản trong xã bị cô lập. Ông Hà Văn Bao, Phó Chỉ huy quân sự xã Mường Bang kể lại: Lũ về, nhiều người bị mắt kẹt bên kia suối, tình hình hết sức nguy kịch, nếu không nhanh trí rất có thể cả chục người trong bản bị thiệt mạng. Nhận định sự tiếp sức từ bên ngoài lúc này là không thể, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, trực tiếp là Bí thư Đảng ủy xã, ông đã cùng các lực lượng và bà con trong bản tập trung công tác cứu người, rồi mới tiến hành các công tác cứu trợ khác.
Lúa bị vùi lấp sau lũ. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Bí thư Đảng ủy xã Mường Bang Phùng Thị Quang cho biết: " Đêm đó chúng tôi đã thức cả đêm để đối phó với mưa lũ. Xã Mường Bang bị cô lập hoàn toàn với huyện, mọi công việc điều hành lúc này chỉ dựa vào 7 người trong xã có sử dụng mạng điện thoại Vinaphone". Ngay khi liên lạc được, chị đã chỉ đạo bằng mọi giá phải cứu người và cho di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn. Nhà của mình cũng bị ngập, nhưng chị Quang vẫn cùng với lãnh đạo xã đi động viên, giúp đỡ các gia đình trong bản.
Còn tại xã Kim Bon, xã thứ hai bị cô lập hoàn toàn với huyện, ngày 10/10 mưa lũ xảy ra khi Chủ tịch UBND xã Kim Bon Bàn Văn Châu đi dự họp ở huyện. Ông Châu cho biết, trên đường về xã, tới bản Pa, cách UBND xã hơn 10km, ông đã liên tục liên lạc với người nhà và cán bộ xã để thông báo về tình hình mưa lũ và sạt lở núi, cảnh báo việc ứng cứu và cảnh báo cho người dân trong bản. Ông Bàn Văn Châu chia sẻ: "Sáng sớm hôm sau, tôi và các anh em phải đi bộ đến từng bản để nắm tình hình, hỗ trợ những gia đình bị mất nhà cửa, đồng thời báo cáo và có phương án đối phó, di dời những hộ có nguy cơ bị sạt lở cao".
Cầu bản Khoáng bị sập trong trận lũ vừa qua. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Ông Đặng Văn Liềm, Phó Bí thư Chi bộ bản Suối Lẹt cho biết, trong những ngày mưa lũ lớn, ngoài việc trực tiếp xuống các bản để giúp đỡ bà con bị thiệt hại do lũ, đồng chí Châu còn gọi điện trực tiếp đến các trưởng bản, công an viên, chỉ đạo các lực lượng tại chỗ giúp đỡ dân, khuyến cáo người dân không thả gia súc để tránh nước lũ cuốn trôi, không được đi khỏi địa bàn. Đồng chí Châu cũng rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ và thường xuyên thăm hỏi bà con trong xã.
Cầu tạm được bắc qua suối Khoáng, bản Khoáng, xã Mường Bang, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Theo Bí thư Huyện ủy Phù Yên Lương Thị Như Hoa, trận mưa lũ vừa qua, mặc dù đã có cảnh báo chủ động ứng phó với thiên tai, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường nên địa phương bị thiệt hại nặng nề. Với điều kiện hết sức khó khăn, nhiều xã, bản trong huyện bị cô lập nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền và tinh thần chủ động của người dân nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ ra.
Bí thư Huyện ủy Phù Yên Lương Thị Như Hoa trao quà cho các gia đình bị mất nhà cửa tại bản Lao, xã Mường Bang, huyện Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Người đứng đầu cấp ủy đã nêu cao tinh thần gương mẫu, tập hợp các lực lượng dân quân, công an, thanh niên, phụ nữ, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. Các xã, bản bị cô lập đã chủ động kịp thời giúp đỡ người dân khắc phục thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm sớm ổn định cuộc sống cho bà con.
Nhà tạm được dựng cho các hộ bị mất nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Có thể nói, với sự vào cuộc kịp thời của các cấp ủy và chính quyền ở Phù Yên, công tác cứu trợ cho các xã, bản bị mưa lũ được thực hiện kịp thời, nhất là việc huy động được nguồn lực tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguyễn Chiến