Hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn

Ngày 6/3, tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về các nội dung triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Tỉnh mong muốn, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp có năng lực hợp tác, hỗ trợ địa phương trong suốt quá trình thực hiện đề án này.

vna_potal_kiem_tra_cong_tac_bien_mau_tai_cua_khau_song_phuong_chi_ma_7255837.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn kiểm tra khu vực bến bãi xuất nhập khẩu cửa khẩu song phương Chi Ma. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phối hợp với các sở, ngành xây dựng Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh và xin ý kiến của 20 bộ, ngành liên quan. Hiện Văn phòng Chính phủ đang thẩm tra Đề án và họp chuyên đề trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Dự kiến, việc đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 2/2024 đến tháng 12/2025), tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn II (từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2028) đi vào vận hành thí điểm. Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại. Đặc biệt, mô hình này sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu…

Tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao tâm huyết của Tập đoàn Viettel trong việc đề xuất tham gia xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Ngay sau khi Đề án được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh sẽ làm việc với các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp để thống nhất phương thức hợp tác, đầu tư nhằm phát huy hiệu quả mô hình cửa khẩu thông minh theo mục tiêu đề ra.

"Chủ trương của Lạng Sơn là tiếp tục nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu. Trọng tâm là thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Mục tiêu phấu đấu của tỉnh đến năm 2030, tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đạt từ 100 tỷ USD trở lên; qua cửa khẩu Tân Thanh đạt từ 25 tỷ USD trở lên", Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã trình bày về hạ tầng, năng lực, kinh nghiệm của Tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; kinh nghiệm thực hiện quy hoạch, xây dựng hạ tầng logistics. Tập đoàn Viettel cũng đưa ra dự thảo các giải pháp kỹ thuật đối với hoạt động của xe tự hành AGV; hạ tầng 5G điều khiển; hệ thống cẩu container tự động; đường vận tải chuyên dụng; hệ thống điều hành cửa khẩu tập trung; hệ thống kết nối thông quan thông minh; hệ thống phân luồng hàng hóa tự động… nếu được tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư...

Vũ Văn Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm