Hơn 42% số xã ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới

Hơn 42% số xã ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới
Trưng bày các sản phẩm đặc trưng trong xây dựng nông thôn mới của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN
Trưng bày các sản phẩm đặc trưng trong xây dựng nông thôn mới của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Tính riêng vùng Duyên hải Nam Trung bộ có 378/825 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%); dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt tỷ lệ 60%  (hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao). Vùng Tây Nguyên có 226/599 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cả 2 vùng có 9 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có 8 đơn vị và vùng Tây Nguyên có 1 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đánh giá về kết quả này, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, so với bình quân chung cả nước, cả 2 vùng và riêng từng vùng đều có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn duy nhất vùng miền núi phía Bắc (hiện đang là 26,45% số xã đạt chuẩn). Điều đó cho thấy, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên vẫn đang là vùng "trũng" về xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến nay, cả 2 vùng có 11/13 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (vùng Duyên hải Nam Trung bộ có 6/8 tỉnh, thành phố; vùng Tây Nguyên có 5/5 tỉnh). Hiện, cả 2 vùng chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; dự kiến đến hết năm 2020, cả 2 vùng sẽ có khoảng 126 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng chỉ ra những bất cập trong xây dựng nông thôn mới tại 2 vùng này. Cụ thể, khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Hai vùng vẫn còn 27 huyện trên địa bàn 9 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; vùng Tây Nguyên, còn một số tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn dưới 30% (Đắk Lắk, Đắk Nông) và dưới 20% (Kon Tum); tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí của hai vùng chiếm 21,98% của cả nước; chất lượng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số nơi còn chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng nông thôn mới của nhiều tỉnh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk); đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa là địa phương tự cân đối ngân sách, có tiềm lực lớn, nhưng đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.

Đánh giá chung, xây dựng nông thôn mới của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện, mới chỉ tạo được điểm sáng ở một số nơi; tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình chưa nhiều; một số địa phương chưa phát huy hết lợi thế về nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để khai thác, hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới...
Thành Trung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm