Ngày 5/9, cùng với học sinh trên cả nước, học sinh trên địa bản tỉnh Tuyên Quang tưng bừng khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Trước đó, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, tuyển sinh đầu bậc học, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho giáo viên... đã được ngành Giáo dục tỉnh chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Lễ khai giảng năm học được tổ chức với những hoạt động thiết thực trên tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên) các công trình như trường, lớp học, ký túc xá... đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới. Cô giáo Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đã giúp tạo động lực để nhà trường đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh khá và giỏi ngày càng tăng. Nhà trường rất vui mừng khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đón nhân danh hiệu này đúng dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Đây là động lực rất lớn để thầy và trò nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh và các huyện, thành phố bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp học, trang cấp thiết bị cho các nhà trường; đặc biệt quan tâm đến các trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường có học sinh bán trú, trường ở vùng khó khăn. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đến các cơ sở giáo dục, quyết tâm thực hiện “học thực, thi thực, chất lượng thực”...
Cô giáo Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, năm học 2022 - 2023 khép lại với nhiều kết quả nổi bật nhà trường đã đạt được như: tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và điểm trung bình môn đứng thứ 2 toàn tỉnh, 100% học sinh thi đỗ đại học, nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học tốp đầu cả nước. Nhà trường là một trong 6 đơn vị toàn ngành Giáo dục được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Đây là niềm vinh dự đồng thời tạo động lực để nhà trường đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cố gắng nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT, phấn đấu có học sinh vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia...
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 461 trường từ bậc mầm non đến THPT với hơn 226.900 học sinh. Sở đã tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học mới đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học các bậc học. Nét mới của năm học 2023 - 2024 là thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời đây cũng là năm ngành Giáo dục triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Trong thời gian qua, chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đáng khích lệ; điểm trung bình kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024 cao hơn so với năm học trước; điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2023 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, hiện chỉ đạt 65%, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 85%, số phòng học bộ môn, phòng chức năng, đồ dùng, thiết bị dạy học còn thiếu nhiều so với quy định. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp, hiện chỉ đạt 51,1% nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học cấp tiểu học...
Để tháo gỡ khó khăn và hoàn thành tốt các mục tiêu trong năm học mới 2023 - 2024, ngành đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch đã được ban hành, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025; từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, kiên quyết chống “bệnh thành tích” trong giáo dục. Cùng với đó thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính. Sử dụng hiệu quả, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục. Tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đúng kế hoạch của tỉnh, triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục của tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho năm học mới và khởi động những ngày học đầu tiên diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ chuyên cần cao, các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang hướng đến một năm học mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Quang Cường