Bài 1: Nhức nhối tình trạng khai thác trái phép
Năm 2008, Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt phương án khai thác vàng lộ thiên này qua hai lần cấp phép: Lần thứ nhất tại Quyết định số 98/QÐ-UBND có thời hạn 5 năm (từ tháng 1/2008 - 1/2013) khai thác trên diện tích 20 ha, công suất 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 350 kg vàng/năm). Lần thứ hai tại Quyết định số 563/QÐ-UBND gia hạn thêm 15 năm khai thác vàng trên diện tích 20 ha, công suất 1.264 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 10,83kg vàng/năm). Tuy nhiên, chưa hết thời gian cấp phép lần thứ hai (từ tháng 8/2013 - 8/2028), từ năm 2015, Công ty này đã ngừng khai thác. Đến năm 2017, Công ty phá sản, để lại hàng loạt hệ lụy môi trường tại khu vực mỏ vàng này. Đáng nói là từ năm 2017 đến nay, người dân địa phương và các tỉnh Tây Bắc vẫn về đây khai thác vàng trái phép, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp khiến công tác quản lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khăn. Đáng ngại nhất, mùa mưa đã đến, những hiểm họa khôn lường đang từng ngày, từng giờ trực chờ những “phu vàng” ở đây.
Năm 2008, Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt phương án khai thác vàng lộ thiên này qua hai lần cấp phép: Lần thứ nhất tại Quyết định số 98/QÐ-UBND có thời hạn 5 năm (từ tháng 1/2008 - 1/2013) khai thác trên diện tích 20 ha, công suất 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 350 kg vàng/năm). Lần thứ hai tại Quyết định số 563/QÐ-UBND gia hạn thêm 15 năm khai thác vàng trên diện tích 20 ha, công suất 1.264 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 10,83kg vàng/năm). Tuy nhiên, chưa hết thời gian cấp phép lần thứ hai (từ tháng 8/2013 - 8/2028), từ năm 2015, Công ty này đã ngừng khai thác. Đến năm 2017, Công ty phá sản, để lại hàng loạt hệ lụy môi trường tại khu vực mỏ vàng này. Đáng nói là từ năm 2017 đến nay, người dân địa phương và các tỉnh Tây Bắc vẫn về đây khai thác vàng trái phép, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp khiến công tác quản lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khăn. Đáng ngại nhất, mùa mưa đã đến, những hiểm họa khôn lường đang từng ngày, từng giờ trực chờ những “phu vàng” ở đây.
"Phu vàng" dùng nước phun để rửa trôi bùn đất bám trên những viên đá. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn với cung đường dài khoảng 3km vắt qua những sườn đồi hiểm trở, trơn trượt bằng xe máy, chúng tôi tiếp cận được khu vực mỏ vàng Háng Trợ. Từ con dốc trên đỉnh núi, nơi trước đây Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam đặt nhà điều hành nhìn xuống, khu vực mỏ vàng Háng Trợ là một thung lũng mênh mông có tổng diện tích gần 50 ha, bốn bề bủa vây trùng điệp những vách núi dựng đứng, cao ngất. Tận mắt nhìn khu vực mỏ vàng này càng thấy rõ sự hoang vu, trơ trọi của thiên nhiên nơi đây. Chỉ nghe thấy vọng lại tiếng lục lạc treo trên cổ những con trâu bò ở triền núi xa xa; tiếng búa đanh, chát chúa của những “phu vàng” đang đục đá, đào hầm vọng lên; âm thanh của nước chảy ào ào như thác lũ đổ về.
Đi sâu xuống vùng lõi mỏ vàng bằng con đường đất vắt qua lưng chừng núi chênh vênh, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi đất cao ngất, chúng tôi đặt chân được tới hạ lưu con suối nhỏ. Dưới cái nắng gắt gao, bỏng rát của rẻo cao Điện Biên Đông, dễ dàng phát hiện ra những tốp người dân tộc H'Mông đang đào bới, ghè đá, mò mẫm rửa đất đá, nhặt những hòn đá bỏ vào bao tải rồi vác đi về cuối suối, mất hút. Nhiều phụ nữ trên lưng địu con nhỏ cũng tham gia đào bới đất đá tìm vàng. Trên vách núi, những người đàn ông đang hì hụi tháo những hố chứa nước căng bằng bạt ni-lông dung tích hàng chục khối nước được gom bởi hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn đổ về. Cứ mỗi lần xả nước là đất đá xói lở, đổ ào ào xuống chân núi, mặt đất như rung chuyển. Ở vị trí trung tâm của thung lũng bãi vàng, nhìn lên các vách núi là những miệng hầm hình vuông, hình tròn tối om. Cửa hầm được chống đỡ tạm bợ bằng những cọc gỗ, những tấm ván mỏng. Vài lán trại phủ bạt ni-lông tạm bợ vẫn còn hiện diện để làm chỗ nghỉ ngơi, ăn trưa của “phu vàng” trên lưng chừng núi.
Tiếp cận hai vợ chồng người Mông đang khai thác vàng trên lưng chừng núi phía Tây mỏ vàng, chúng tôi được biết, từ năm 2017, tình trạng khai thác “vàng chui” nơi đây vẫn diễn ra. Thời điểm thu hút nhiều người dân lên đây khai thác vàng là vào mùa mưa, khi đó đất đá mềm hơn, có nguồn nước để đãi, rửa đá sa khoáng. Sau những cơn mưa, lượng đất đá lộ thiên nhiều hơn, đỡ mất công ghè đẽo, đào bới. Rút kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm, nhiều người dân đã thay đổi phương thức tìm kiếm vàng bằng cách đắp đất, be bờ hoặc căng bạt ni-lông thành những túi nước có dung tích chứa lên đến hàng chục khối ở những nơi càng cao càng tốt, rồi gom nước bằng hệ thống ống dẫn nước tự chảy của con suối trên thượng nguồn đổ về. Khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ, khi nước trong túi nước đủ đầy lại được giật dây để nước chảy xuống núi. Sau đó, người dân sẽ xuôi theo đường dòng nước chảy qua để tìm vàng. Với cách thức này, mỗi một lần xả nước hàng khối đất đá bị cuốn trôi xuống chân núi, tạo nên những đường rãnh sâu hoắm chạy dọc từ lưng núi.
Lần theo tiếng búa vang lên chát chúa, liên hồi, chúng tôi men theo con suối, ngược lên khe hẻm để tiếp cận với nhóm 3 người đàn ông đang hì hụi đào, đục, đẽo đá tìm vàng. Trong khe hẹp chỉ vừa lọt một người đi, hai bên là vách đá dựng đứng, ngút tầm nhìn, có cảm giác thiếu ánh sáng và ngột ngạt do thiếu không khí, bức gió, 3 người đàn ông này đang thay phiên nhau chui xuống hố đục đất đá, vận chuyển lên trên. Ông Vừ Sấu Ma, bản Chua Ta B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) là phu vàng lớn tuổi nhất trong nhóm 3 người cho biết: Công việc đục đẽo đất đá, tìm vàng và đào hang rất vất vả, nguy hiểm. Tai nạn xảy ra với nhiều người rồi và đã có người chết do đá lăn, đất sập vùi lấp. Biết hiểm nguy là vậy nhưng nhà nghèo nên cũng phải cố làm thôi.
Cũng theo ông Vừ Sấu Ma, ông và hai người trong nhóm (cùng ở bản Chua Ta B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) lựa chọn vị trí này để khai thác vàng và đào sâu xuống chừng 5m theo phương thẳng đứng vừa đủ một người chui để tiếp cận được với đường hầm cũ dài hàng trăm mét đang nằm sâu trong lòng đất mà trước đây Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam đã khai thác. Khi tiếp cận được đường hầm, mọi người sẽ dùng dây thừng để leo xuống đường hầm và vận chuyển đá khai thác được lên khỏi hầm. Ông Vừ Sấu Ma tự tin sẽ tìm ra đường hầm cũ dưới lớp đất đá cứng như bê tông này bởi ông đã từng là lao động cho công ty, đường hầm này ông đã chui vào. Tuy nhiên, phải mất thời gian hàng tháng, công việc này mới có kết quả.
Ông Vừ Sấu Ma không giấu giếm, hàng ngày cứ khoảng 5 giờ là mọi người ra bãi vàng để thay nhau đục đất đá bằng búa, dùi sắt, khi nào tối mịt mới về bản. Trước khi rời khỏi mỏ vàng, mọi người đều làm dấu, khẳng định địa điểm khai thác "đã có chủ" để người khác không được khai thác ở vị trí này. Rời nhà lên mỏ vàng, mọi người đều cơm đùm, cơm nắm và mang theo những can nước uống đủ dùng cho cả ngày.
Rời khỏi thung lũng mỏ vàng khi ánh nắng yếu ớt cuối ngày chỉ còn le lói như những rẻ quạt hắt lên từ vách núi phía Tây. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ dân tộc H'Mông chân trần dẫm đạp qua những khu vực bãi thải, lầm lũi cõng những gùi đá men theo con suối nhỏ đi về phía bản. Trên những vách đá, lưng chừng núi, nơi ánh sáng cuối ngày vẫn còn, những người đàn ông vẫn dùng cuốc “mỏ vịt” đào bới đất đá, gom nước xả xuống chân núi.... (còn tiếp)
Xuân Tiến - Phan Tuấn Anh
TTXVN