Lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Năm học 2018 – 2019, trường Đại học Tây Bắc tiếp nhận khoảng 100 lưu học sinh Lào sang học tập và và nghiên cứu ở các bậc đào tạo đại học và cao học, nâng tổng số lưu học sinh Lào đang theo học tại trường lên 750 em. Các em sau khi được nhà trường tiếp nhận sẽ tham gia lớp học tiếng Việt do giảng viên bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngữ văn giảng dạy. Lớp học này được tổ chức trong 11 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 8 năm sau, với lịch học cả sáng và chiều vào 6 ngày trong tuần. Chương trình học được biên soạn với hơn 1.300 tiết dạy tiếng Việt, 125 tiết bồi dưỡng các môn khoa học cơ bản để bù đắp phần chênh lệch giữa chương trình trung học phổ thông của hai nước.
Theo em Un Hươn Chăn Thạ Vông, lưu học sinh Lào hệ đại học tại tỉnh Bò Kẹo, lúc đầu mới sang Việt Nam, em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Vì không thành thạo tiếng Việt, em không biết làm thế nào để giao tiếp với mọi người. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, nay em đã có thể nghe nói các câu đơn giản, dần hoàn thiện kỹ năng đọc hiểu để chuẩn bị chuyển tiếp lên hệ đào tạo chính quy trong năm học tới. Em Un Hươn Chăn Thạ Vông nói: “Lớp học này đã giúp em khắc phục rào cản về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa. Qua đó, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập và cuộc sống mới tại Việt Nam”.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, ngôn ngữ chính là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức đối với các học sinh, sinh viên hay lưu học sinh. Thời gian qua, trường Đại học Tây Bắc xác định việc dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào là nhiệm vụ của toàn trường. Nhà trường đã chủ động xây dựng, triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, nhất là chú trọng tới công tác dạy và học tiếng Việt. Ngoài lớp dạy tiếng Việt do các thầy cô phụ trách, nhà trường đã chỉ đạo Hội Sinh viên trường hỗ trợ học tiếng Việt cho lưu học sinh Lào vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần.
Lưu học sinh Lào được rèn luyện các kỹ năng tiếng Việt cơ bản: nghe - nói - đọc - viết. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN |
Em Kinh Khăm Phôn Thị Lạt, lưu học sinh Lào hệ cao học tại tỉnh Hủa Phăn bộc bạch: Em đã tham gia các lớp dạy và học tiếng Việt được 2 tháng. Ở đây, thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam rất nhiệt tình. Không khí trong lớp lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm như gia đình. Đó chính là động lực để em phấn đấu học tập tốt, mai sau trở về xây dựng quê hương giàu mạnh và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào ngày càng tốt đẹp.
Sau khi kết thúc các lớp dạy và học tiếng Việt do nhà trường và Hội Sinh viên trường tổ chức, các lưu học sinh Lào sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt. Theo báo cáo của trường Đại học Tây Bắc, kết quả trong năm học 2017 – 2018, trên 95% các em đạt yêu cầu và được chuyển tiếp lên học hệ chính quy ở các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tại tỉnh Sơn La.
Sinh viên Việt Nam giúp lưu học sinh Lào học tiếng Việt. Ảnh: Diệp Anh – TTXVN |
Cô Hà Thị Mai Thanh, giảng viên bộ môn tiếng Việt, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tây Bắc đánh giá kết quả dạy và học tiếng Việt đối với lưu học sinh Lào đến nay rất khả quan. Sau khi hoàn thành các lớp dạy và học tiếng Việt, tất cả các lưu học sinh Lào đều có khả năng giao tiếp thành thạo cũng như hòa nhập nhanh chóng vào cộng đồng. Các em được chuyển tiếp lên hệ đào tạo chính quy tại trường, còn một số em chuyển sang học tại trường Cao đẳng Y Sơn La.
Kết quả đánh giá năng lực tiếng Việt của lưu học sinh Lào trong thời gian qua cho thấy chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào đã được cải thiện rõ rệt. Thầy Đỗ Hồng Đức, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Tây Bắc cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào. Nhà trường và Hội Sinh viên trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa nội dung và hình thức dạy và học tiếng Việt cho các em.
Lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Đặc biệt đối với các lưu học sinh Lào sau khi chuyển tiếp lên hệ đào tạo chính quy tại nhà trường sẽ tiếp tục được đào tạo tiếng Việt. Các em được học tiếng Việt với số tín chỉ tương đương với các em khác phải học tiếng Anh. Nhà trường cũng giao cho các khoa chia lưu học sinh Lào thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 4 – 7 em và có ít nhất một giáo viên kèm cũng như hỗ trợ các em trong suốt năm học. Việc này sẽ được nhà trường kiểm tra và có đánh giá thường xuyên.
Đại học Tây Bắc là cơ sở đào tạo bậc đại học duy nhất tại tỉnh Sơn La. Đây là trung tâm đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ uy tín cho nước bạn Lào. Trong đó có 8 tỉnh Bắc Lào có quan hệ hữu nghị và ký kết hợp tác toàn diện tỉnh Sơn La là Hủa Phăn, Luông Pha Băng, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Phông Xa Lỳ, Luông Nậm Thà, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng.
Diệp Anh