Cô giáo Điêu Thị Hính (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ét (Quỳnh Nhai, Sơn La) trong giờ dạy chữ Thái. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Là giáo viên có chuyên môn tốt và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, sau khi triển khai đề án, cô giáo Điêu Thị Hính đã được Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ét cử đi đào tạo, có chứng chỉ tiếng Thái. Với vốn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô Hính đã vận dụng sáng tạo, coi trọng các phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, độ tuổi học sinh, cũng như đặc điểm văn hóa dân tộc Thái. Để các em dễ hiểu và tiếp thu bài nhanh, cô Hính đã vận dụng cho học sinh các phương pháp như: thực hành giao tiếp, rèn luyện theo mẫu, đóng vai, giải quyết vấn đề, thảo luận và những trò chơi giúp các em phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy cô Hính luôn chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, qua đó hình thành các tri thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cho học sinh.
Cô giáo Điêu Thị Hính chia sẻ, trước khi lên lớp dạy, cô luôn cố gắng nghiên cứu, soạn bài, chuẩn bị kỹ từng bài giảng để truyền đạt cho các em dễ hiểu, dễ đọc và viết được đúng đặc điểm của chữ Thái. Khi mới học chữ Thái, học sinh rất bỡ ngỡ. Nhưng sau đó, các em đã đọc thạo, viết nhanh và đúng mẫu hơn.
Nhờ kiến thức và phương pháp truyền đạt của cô giáo Hính mà các em đã dễ dàng tiếp thu bài nhanh và đọc, nghe, viết được ngôn ngữ dân tộc Thái. Nhiều em cảm thấy thích thú khi được học môn này. Em Quàng Thị Điệp, học sinh lớp 4A1 nói: Em rất thích được học môn học chữ Thái. Môn học này giúp em hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Tuy đã đọc và viết được chữ Thái nhưng em sẽ cố gắng học nữa.
Tiết học môn chữ Thái của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ét (Quỳnh Nhai, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Theo đề án, chương trình môn học tiếng dân tộc Thái có tổng số 420 tiết, cơ cấu thành 3 năm học, mỗi năm 140 tiết. Theo đó, năm thứ nhất, học sinh đạt yêu cầu biết nghe, nói vững chắc, đọc và viết cơ bản; năm thứ hai đạt yêu cầu biết nghe, nói thành thạo, đọc và viết vững chắc; năm thứ ba đạt yêu cầu biết đọc và viết thành thạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ét cho biết: Sau 2 năm triển khai, thực hiện dạy chương trình chữ dân tộc Thái trong nhà trường, học sinh đã biết đọc, viết và rất yêu thích môn học này. Bởi, đây là một môn học mang bản sắc dân tộc Thái, cũng như tiếng nói và chữ viết của chính dân tộc các em.
Vệc đưa chữ dân tộc Thái vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã giúp học sinh phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trên cơ sở âm vần và thực hành giao tiếp văn bản, góp phần rèn luyện những thao tác tư duy, giúp học sinh học tốt các môn văn hóa trong trường học. Đồng thời, qua các tiết học, các em được cung cấp những kiến thức đơn giản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Thái thông qua thực hành ngôn ngữ, đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Thái; từ đó góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Nguyễn Cường - Đình Hải