Hiệu quả bước đầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Hiệu quả bước đầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiến độ và đạt hiệu quả bước đầu.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, đảm bảo dạy đúng đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành thuận lợi, công khai, minh bạch, lưu trữ hồ sơ đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 ở các địa phương trong tỉnh theo đúng lộ trình. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn.

Theo ông Phan Đoàn Thái, khó khăn hiện nay là không có nguồn giáo viên để tuyển dụng, dẫn đến không tuyển đủ tỷ lệ giáo viên/lớp, ảnh hưởng đến việc dạy học, đặc biệt là các môn học Tiếng Anh, Tin học, dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại như: ti vi, bảng tương tác, hệ thống mạng... còn nhiều hạn chế; kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn chế nên không thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm học này, toàn tỉnh có 2.165 cán bộ, quản lý và giáo viên cấp Trung học phổ thông. Trên cơ sở cân đối số giáo viên dôi dư, các trường phân công, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp, cơ bản đảm bảo cơ cấu bộ môn, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục cho năm học. Hiện toàn tỉnh đang có nhu cầu giáo viên (khoảng 43 người) cho các bộ môn mới như: âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp… Để chuẩn bị cho năm học 2023- 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến nhu cầu tuyển dụng bổ sung khoảng 90 giáo viên cho các bộ môn: ngữ văn, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh các giải pháp như tuyển dụng bổ sung và bố trí giáo viên dạy đúng và đủ cơ cấu; đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực công tác xã hội hóa giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Sở cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Module 6, 7, 8 để địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm